Giới thiệu HCCT

HCCT- Trường Cao Đẳng Thương Mại và Du Lịch Hà Nội

Trường Cao đẳng Thương mại và Du lịch Hà Nội tiền thân là Trường Trung cấp Thương nghiệp Hà Nội được thành lập theo Quyết định số 1680/QĐ-TCDC ngày 09/4/1965 của UBHC thành phố Hà Nội (nay là UBND thành phố Hà Nội). Để phù hợp với sự nghiệp đổi mới của đất nước, ngày 13/5/1993 trường được đổi tên thành Trường Trung học Thương mại và Du lịch Hà Nội theo Quyết định số 1948/QĐ-UB của UBND thành phố Hà Nội. Ngày 01/9/2008 Bộ Giáo dục và Đào tạo ra Quyết định số 5689/QĐ-BGDĐT nâng cấp thành Trường Cao đẳng Thương mại và Du lịch Hà Nội.

Thực hiện Quyết định số 2230/QĐ-UBND ngày 12 tháng 4 năm 2017 của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội về việc chuyển giao chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Trường đã chuyển thành cơ sở giáo dục nghề nghiệp và hoạt động theo Điều lệ trường Cao đẳng được ban hành bởi Thông tư số 46/2016/TT-BLĐTBXH ngày 28/12/2016 của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội.

Trường có chức năng tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nhân lực có trình độ cao đẳng và các trình độ thấp hơn theo đúng ngành nghề đào tạo theo quy định hiện hành của nhà nước. Nghiên cứu và thực nghiệm khoa học công nghệ phục vụ cho đào tạo, sản xuất kinh doanh, dịch vụ thương mại và du lịch, hợp tác, đào tạo, nghiên cứu khoa học với các cơ sở đào tạo, nghiên cứu khoa học trong và ngoài nước.

Mục tiêu

        Trường Cao đẳng Thương mại và Du lịch Hà Nội là cơ sở đào tạo đa ngành, đa hệ, liên thông giữa các bậc học; đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ có trình độ cao đẳng và các trình độ thấp hơn; có sức khỏe, đạo đức, có trách nhiệm nghề nghiệp; có khả năng sáng tạo, thích ứng với môi trường làm việc trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Tổ chức nghiên cứu, chuyển giao công nghệ phục vụ nhu cầu xã hội, hợp tác chặt chẽ với các cơ sở sản xuất kinh doanh, cơ sở đào tạo trong nước và nước ngoài.

Nhiệm vụ và quyền hạn

  1. Xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển Trường.
  2. Đào tạo nguồn nhân lực có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, có kiến thức và năng lực thực hành nghề nghiệp tương xứng với trình độ đào tạo, có sức khỏe, có trách nhiệm nghề nghiệp, có khả năng sáng tạo, thích ứng với môi trường làm việc trong bối cảng hội nhập quốc tế; tạo điều kiện cho người học sau khi hoàn thành khóa học có khả năng tìm việc làm, tự tạo việc làm hoặc tiếp tục học lên trình độ cao hơn.
  3. Tổ chức biên soạn hoặc lựa chọn, phê duyệt và thực hiện các chương trình, giáo trình đào tạo đối với từng ngành nghề được phép đào tạo theo quy định của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội.
  4. Thực hiện đào tạo đa cấp, đa ngành, đa hệ, liên kết với các Trường, Viện, các cơ sở đào tạo, các doanh nghiệp trong và ngoài nước theo nhu cầu của xã hội và theo quy định hiện hành.
  5. Xây dựng kế hoạch tuyển sinh, tổ chức tuyển sinh; tổ chức các hoạt động đào tạo; kiểm tra, thi, xét công nhận tốt nghiệp, cấp phát, thu hồi và hủy bỏ bằng tốt nghiệp cao đẳng, trung cấp, chứng chỉ nghề và chứng chỉ đào tạo khác theo quy định của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội.
  6. Tuyển dụng, quản lý viên chức và người lao động đảm bảo đủ về số lượng, phù hợp với ngành nghề, quy mô và trình độ đào tạo theo quy định của pháp luật.
  7. Phối hợp với các tổ chức, cá nhân và gia đình của người học trong hoạt động giáo dục.
  8. Thực hiện dân chủ, công khai trong việc thực hiện các nhiệm vụ đào tạo, nghiên cứu, ứng dụng các kết quả nghiên cứu, chuyển giao công nghệ vào thực tiễn sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và hoạt động tài chính; có cơ chế để người học tham gia đánh giá hoạt động đào tạo, giảng viên tham gia đánh giá cán bộ quản lý, viên chức và người lao động của Trường.
  9. Quản lý, sử dụng đất đai, trụ sở, tài sản phù hợp với sự phát triển của Trường và đúng với quy định của pháp luật.
  10. Quyết định thành lập các đơn vị trực thuộc Trường theo cơ cấu tổ chức được phê duyệt; quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức các chức vụ từ cấp Trưởng phòng, Trưởng khoa và tương đương trở xuống.
  11. Sử dụng nguồn thu từ hoạt động hợp tác đào tạo, khoa học công nghệ, sản xuất, kinh doanh và dịch vụ để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất của Trường, chi cho hoạt động đào tạo và bổ sung nguồn tài chính của Trường.
  12. Tổ chức cho đội ngũ công chức, viên chức và người lao động và người học tham gia các hoạt động dịch vụ của Trường, các hoạt động xã hội phù hợp với ngành nghề đào tạo và nhu cầu của xã hội.
  13. Phối hợp với doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong hoạt động đào tạo về lập kế hoạch đào tạo, xây dựng chương trình, giáo trình đào tạo; tổ chức giảng dạy, hướng dẫn thực hành, thực tập, đánh giá kết quả học tập của người học.
  14. Thực hiện kiểm định và đảm bảo chất lượng đào tạo theo quy định.
  15. Tư vấn đào tạo, tư vấn việc làm miễn phí cho người học.
  16. Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của UBND Thành phố và theo quy định của pháp luật.

Thông tin liên hệ:

Trường Cao đẳng Thương mại và Du lịch Hà Nội

+ Liên hệ: Phạm Văn Đồng, Phường Mai Dịch, Quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội.
+ Phone: (024) 3764 1121 – (024) 3792 1179
+ Email: hcct.edu@gmail.com
+ Website: https://hcct.edu.vn/