Những cách để cân bằng chi tiêu khi học cao đẳng (phần 2)

Trong bài viết trước, chúng ta đã đi vào một số cách để một sinh viên cao đẳng có thể cân bằng được chi tiêu của mình. Không dài dòng thêm nữa, bài viết này sẽ bổ sung thêm cho các bạn một số tips để có thể tích kiệm được nguồn tài chính cá nhân, đặc biệt là với những bạn sinh viên vẫn còn đang chật vật với lượng chi tiêu của mình.

  1. Mượn hoặc xin giáo trình cũ

Giáo trình luôn là một cuốn sách cần thiết dù có học đại học hay cao đẳng. Chính vì vậy, việc sắm cho mình một bộ giáo trình luôn luôn là ưu tiên hàng đầu của mọi sinh viên. Tuy nhiên, lại có một số môn học chỉ học trong thời gian rất ngắn rồi sau đó không bao giờ được dùng lại nữa. Việc tiêu tốn tiền vào những cuốn giáo trình đó không thể được tính là một khoảng đầu tư hời, đặc biệt là với khoản chi tiêu hạn hẹp của đại đa số các bạn sinh viên. Một cách hay để có thể giảm được tiền giáo trình đó chính là mượn của thư viện, hoặc bạn cũng có thể xin lại từ các tiền bối khóa trên. Dù cho có là hàng second-hand, thì việc đó cũng sẽ giúp bạn giảm được một ít chi phí đó.

  1. Biết phân biệt rõ ràng giữa “cần” và “thích”

Một trong những sai lầm mà nhiều bạn sinh viên mắc phải đó chính là chưa phân biệt được giữa “cần” và “thích”. Lấy ví dụ cho dễ hiểu: Có không ít sinh viên thích trà sữa hay đi tụ tập, cà phê với bạn bè. Thậm chí, có nhiều bạn còn “xài sang” đến mức cứ 1-2 ngày là lại đi tụ tập, ăn uống với bạn bè. Chính việc này đã bòn rút đi túi tiền của họ, gây ra tình trạng “cháy túi” sớm hơn rất nhiều so với dự định. Hãy thật sự tỉnh táo và phân biệt được những gì “cần” và những gì mình “thích”, luôn luôn nhớ mình là sinh viên, phải chi tiêu tích kiệm và có tính toán để có thể tối ưu được lượng tài chính của bản thân.

  1. Đừng tốn quá nhiều cho một buổi hẹn hò

Nhiều người nói rằng, tình yêu thời sinh viên là một kỷ niệm có lẽ là khó quên nhất đối với tất cả chúng ta. Tuy vậy, cũng đừng để ngốn quá nhiều kinh phí để cho những kỉ niệm khó quên đó. Nên nhớ, bạn đang là sinh viên, số tiền trong túi bạn không phải là quá nhiều. Hãy chi tiêu một cách thật hợp lý. Không cần phải đi đến một nơi nào đó đắt tiền, sang trọng. Thay vào đó, hãy tập trung vào những giá trị tinh thần, tạo ra những cảm xúc tích cực, những kỉ niệm khó phai dành cho bản thân và cho đối phương, để sau này ta có thể nhìn lại và không phải hối hận vì đã bỏ qua tình yêu thời sinh viên, cũng như không hối hận vì đã lỡ chi quá nhiều chi phí cho một buổi hẹn hò sang trọng, xong rồi chả mang lại được chút giá trị tinh thần nào đáng kể.

  1. Chi tiêu luôn có một khoảng dự phòng.

Trên thực tế, một khoản tiền dự phòng là thứ không thể thiếu dù cho bạn có là sinh viên hay đang đi làm. Chủ nghĩa khắc kỷ cũng đã dạy rằng, “Bạn không thể kiểm soát được những gì xảy ra đến với bạn.” Chính vì vậy, việc “dự phòng” một khoảng tiền mà bạn chắc chắn sẽ không đụng vào trừ khi có việc khẩn cấp hoàn toàn là có cơ sở. Dù ít hay nhiều, biết đâu chính khoản tiền dự phòng đó lại là thứ cứu cánh cho bạn những lúc nguy cấp đấy.

  1. Sử dụng tối đa tiềm năng của thẻ sinh viên

Có một câu đùa vui là, “Thẻ sinh viên là một cái phiếu giảm giá có thể dùng ở gần như bất cứ đâu.” Quả thật như vậy, tấm thẻ sinh viên được sử dụng rất rộng rãi, cũng như đem lại một độc quyền chỉ dành cho sinh viên nào sở hữu nó. Một số ví dụ phải kể đến có lẽ là vé xe bus được giảm giá còn 2000/vé, giảm giá vé xem phim, cũng như được hưởng nhiều ưu đãi khi đăng ký các gói mạng 4g,… Có lẽ ai cũng đã từng trải qua một giai đoạn sinh viên không mấy dễ dàng, chính vì thế nên chúng ta, những sinh viên mới được hưởng những ưu đãi đặc biệt đó chăng? Dù sao đi nữa, thẻ sinh viên hoàn toàn có thể giúp các bạn tích kiệm được chút ít kinh tế khi sử dụng các dịch vụ công cộng. Vì vậy, hãy tối ưu hóa những chức năng khi mà tấm thẻ quyền năng này còn ở trong tay chúng ta.

Qua phần 2 của bài viết “Những cách để quản lý chi tiêu khi học cao đẳng”, tôi hi vọng mình đã truyền đạt thêm được một số mẹo tiện lợi để có thể tối ưu được tài chính của mình khi mà đang là sinh viên. Hi vọng các bạn có thể ghi nhớ và áp dụng nó, giúp con đường sinh viên của mình dễ dàng hơn.

Nguyễn Lan Phương – Khoa Ngoại ngữ

Bài viết cùng chủ đề:

Tìm địa điểm Trường
Gọi trực tiếp
Chat Facebook
Chat Zalo