Kỹ năng, được chia thành hai loại bao gồm kỹ năng mềm và kỹ năng cứng. Kỹ năng cứng, là những kỹ năng đòi hỏi bạn cần phải trải qua quá trình đào tạo, học hỏi từ trường học, môi trường xung quanh. Kỹ năng mềm thì ngược lại, nó đơn giản là những tổ hợp kỹ năng nền tảng cần thiết trong cuộc sống bao gồm tập hợp những khả năng, phẩm chất và thái độ cá nhân giúp con người giao tiếp, hợp tác và thích nghi hiệu quả trong mọi hoàn cảnh…
Cũng như nhiều nghiên cứu thực tiễn đã chỉ ra rằng: Kỹ năng mềm là thứ quyết định đến 75% sự thành công trong công việc. Chỉ có 25% những người thành công là nhờ vào kiến thức chuyên môn, còn 75% người thành công còn lại là do kỹ năng mềm. Tính thực dụng của kỹ năng mềm còn được đề cao hơn trong ngành du lịch, nơi mà công việc chủ yếu của bạn sẽ là chỉ dẫn, tương tác với những du khách trong tour du lịch của mình. Vậy, những kỹ năng nào mà sinh viên học ngành du lịch bắt buộc phải có? Hãy tìm hiểu ngay trong bài viết này nhé!
Mục lục
1. Kỹ năng giao tiếp
Đối với những người có ý định làm trong ngành du lịch nói chung và hướng dẫn viên du lịch nói riêng, kỹ năng này là kỹ năng không thể thiếu đối với bất cứ người nào đã quyết tâm làm trong ngành du lịch. Vì khi đã quyết định làm trong ngành này, bạn sẽ phải có một tâm thế sẵn sàng để đối mặt với nhiều loại khách du lịch khác nhau.
Kỹ năng giao tiếp sẽ đem lại cho bạn rất nhiều lợi thế; từ việc giúp bạn tạo ra ấn tượng ban đầu tốt với du khách, truyền tải những thông tin một cách trôi chảy, mượt mà cho đến việc giải quyết những vấn đề, tình huống phát sinh bất ngờ một cách hiệu quả.
Chẳng những vậy, nếu bạn có kỹ năng giao tiếp thật sự tốt và kết hợp nó nhuần nhuyễn với khả năng ứng xử, thì bạn sẽ thu hút và chiếm được lòng tin của những vị khách trong tour, khiến họ cảm mến và tôn trọng bạn, đặc biệt là sẽ thu lại được một khoảng “tips” không nhỏ từ những vị khách hào phóng và du khách nước ngoài.
2. Kỹ năng ứng xử
Lời nói thì phải đi đôi với hành động. Nếu bạn “chỉ được cái miệng” mà không biết kết hợp với khả năng ứng xử, hành động trong những tình huống khác nhau thì bạn cũng “chỉ có cái mác”. Một hướng dẫn viên du lịch giỏi là người phải hoàn thiện, kiểm soát bản thân từ lời nói đến cử chỉ, hành động. Họ phải luôn vừa giữ thái độ thân thiện; chu đáo, luôn luôn cởi mở, niềm nở với du khách, đồng thời, vừa phải thể hiện thái độ ân cần, sẵn sàng giúp đỡ, hỗ trợ và giải đáp thắc mắc của du khách trong chuyến đi.
Mặt khác, họ còn phải giữ thái độ chuyên nghiệp, tôn trọng du khách bất kể tôn giáo, tín ngưỡng, quốc gia đối với từng khách hàng mà họ phục vụ trong suốt chuyến đi, qua đó thể hiện hình ảnh đẹp cho ngành du lịch nước nhà.
3. Kỹ năng thuyết trình
Có thể nói chuyện và giao tiếp tốt không có nghĩa là bạn đã thuyết trình tốt. Nói một cách rõ ràng hơn, việc bạn có thể giao tiếp xã giao tốt không có nghĩa là bạn có thể đứng trước đám đông vừa tương tác, vừa kể chuyện nhằm thu hút sự chú ý của những người đối diện về phía mình.
Tại sao thuyết trình là kỹ năng quan trọng ư? Đơn giản thôi, vì nhiệm vụ của một hướng dẫn viên du lịch không chỉ là quan tâm, chăm sóc du khách mà còn phải giới thiệu, trình bày về những danh lam thắng cảnh tại điểm.
Kỹ năng thuyết trình đặc biệt phát huy điểm mạnh của nó ở đây, khi mà bạn có thể dễ dàng tự tin đứng trước mọi người, tương tác và diễn thuyết về những đặc điểm, nguồn gốc của những di tích lịch sử; những danh lam thắng cảnh, những phòng cảnh, đặc sản của từng tuyến điểm một cách chân thực nhưng vẫn cuốn hút và khắc sâu trong trí nhớ của du khách.
4. Kỹ năng giao tiếp tiếng Anh lưu loát
Xã hội ngày càng phát triển, số lượng người nhập cư cũng như khách du lịch đến Việt Nam ngày một nhiều lên theo năm tháng. Chỉ cần để ý một chút, bạn cũng sẽ thấy rất nhiều người nước ngoài tập trung tại những địa điểm như Phố đi bộ, phố Cổ, Vịnh Hạ Long,… Chỉ qua những chi tiết đó, ta cũng sẽ dễ dàng nhận ra tầm quan trọng của thứ “ngôn ngữ toàn cầu” này.
Việc biết tiếng Anh sẽ giúp bạn có lợi thế hơn rất nhiều người có năng lực, nhưng lại không biết, học được tiếng Anh. Bạn sẽ được chỉ định dẫn dắt tour có nhiều người nước ngoài; qua đó chứng tỏ được năng lực bản thân, dễ dàng thăng tiến trong công việc. Nhờ cái lúc mà tôi đã nhắc đến việc nhận “tips” từ khách du lịch chứ? Bạn có thể có được một khoản “bonus” kha khá nếu như ghi được điểm trong mắt những du khách ngoại quốc đấy.
Để làm tốt trong ngành du lịch thì bạn cần rất nhiều kỹ năng khác nhau, Bài viết này đề cập đến trên đây là những kỹ năng mềm bắt buộc cần phải trau dồi nếu bạn đang là sinh viên ngành du lịch, cũng như sẽ có ý định dấn thân vào thị trường này trong tương lai. Mong rằng qua bài viết vừa rồi các bạn sẽ có thêm được một chút kiến thức, qua đó tiếp tục phát triển bản thân mình trong tương lai.
Nguyễn Thị Quỳnh Nga – Giảng viên Khoa Ngoại ngữ