Ngày 26/6/2025, một sự kiện mang tính chiến lược và đầy cảm xúc đã chính thức diễn ra thông qua hình thức trực tuyến: “Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Trường Cao đẳng Thương mại và Du lịch Hà Nội” (HCCT) và Trường Cao đẳng Kinh tế Tài chính Nam Kinh (Trung Quốc). Đây không chỉ là một nghi thức mang tính biểu tượng, mà còn mở ra một chương mới trong chiến lược hội nhập quốc tế của hai đơn vị giáo dục nghề nghiệp hàng đầu.

Buổi lễ có sự tham dự của đông đảo đại biểu cấp cao và đội ngũ lãnh đạo từ hai trường, đại diện Sở Giáo dục thành phố Nam Kinh, lãnh đạo Hội Trà Đạo tỉnh Giang Tô, cùng các đối tác chiến lược trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp quốc tế. Với chủ đề “Thỏa thuận hợp tác đào tạo và giao lưu văn hóa trà Việt – Trung”, buổi lễ đánh dấu bước đi đầu tiên trong việc thực hiện kế hoạch đào tạo chuyên sâu về nghệ thuật trà cho giảng viên và sinh viên Việt Nam tại Trung Quốc.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Diêu Phong – Bí thư kiêm Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kinh tế Tài chính Nam Kinh nhấn mạnh: Trường với bề dày 140 năm lịch sử không chỉ là đơn vị đào tạo nghề vững mạnh, mà còn là “cửa sổ văn hóa” kết nối tri thức Trung Hoa với thế giới. Việc hợp tác lần này, đặc biệt trong lĩnh vực văn hóa trà, chính là cầu nối tinh thần cho tương lai lâu dài giữa hai nền giáo dục.


Đáp lại, Hiệu trưởng HCCT – Bà Trịnh Thị Thu Hà thể hiện sự đồng thuận và kỳ vọng sâu sắc vào mô hình hợp tác này. Bà nhấn mạnh rằng: Chương trình đào tạo trà đạo không chỉ giúp giảng viên, sinh viên Việt Nam tiếp thu kỹ thuật truyền thống Trung Hoa, mà còn mở rộng quy mô giảng dạy, phục vụ trực tiếp chiến lược phát triển ngành du lịch dịch vụ tại Việt Nam giai đoạn 2025 – 2030”.
Một trong những nội dung cụ thể được thống nhất trong khuôn khổ hợp tác là tổ chức khóa đào tạo chuyên sâu về trà đạo kéo dài 3 ngày (từ 4/8 đến 6/8/2025) trong chuỗi study tour dự kiến 12 ngày đến các trường của Trung Quốc và tại Trung tâm Thực hành Nghệ thuật Trà, Trường Cao đẳng Kinh tế Tài chính Nam Kinh. Chương trình hướng đến bốn mục tiêu chiến lược:
- Truyền thừa kỹ thuật trà đạo: Giảng viên và sinh viên của Việt nam sẽ được học và thực hành kỹ thuật pha trà từ các trường phái truyền thống của Trung Quốc, dưới sự hướng dẫn của giảng viên và trợ giảng chuyên sâu.
- Giao lưu văn hóa: Khóa học chú trọng phân tích và so sánh giữa triết lý trà của Trung Hoa và Việt Nam, từ đó tăng cường hiểu biết và khả năng truyền đạt giá trị văn hóa cho giảng viên và sinh viên tại Việt Nam.
- Nâng cấp chất lượng giảng dạy: Dựa trên kiến thức tiếp thu, giảng viên Việt Nam sẽ phối hợp phát triển giáo trình chuẩn hóa phù hợp với hệ thống đào tạo nghề trong nước.
- Kết nối ngành nghề thực tiễn: Sinh viên sẽ được tham quan hệ sinh thái ngành trà Nam Kinh – từ canh tác, chế biến đến vận hành không gian trà, tạo nền tảng gắn kết giữa đào tạo và thực tiễn.

Tham gia chương trình có dự kiến 10 giảng viên và sinh viên, đại diện doanh nghiệp phía Việt Nam, được hỗ trợ bởi đội ngũ chuyên môn của trường Nam Kinh. Toàn bộ chương trình giảng dạy sẽ thực hiện theo hình thức song ngữ (Trung–Việt), có phiên dịch chuyên biệt về thuật ngữ trà đạo, nhằm đảm bảo hiệu quả tiếp thu.
Chương trình này sẽ không chỉ dừng lại ở việc tiếp thu kỹ năng, mà còn đặt trọng tâm vào việc xây dựng cầu nối văn hóa bền vững. Những trải nghiệm như “trình diễn chủ đề nghệ thuật trà”, “giao lưu thưởng trà” hay “trao chứng chỉ tốt nghiệp” được tổ chức vào cuối khóa sẽ tạo nên không gian giao thoa văn hóa sâu sắc giữa hai quốc gia. Phát biểu trong phần trao đổi tự do, đại biểu hai bên cùng đồng thuận về kế hoạch dài hạn như:
– Mở rộng chương trình thực tập cho giảng viên và sinh viên Việt Nam tại Trung Quốc vào tháng 8 hoặc 9/2025.
– Xây dựng chương trình giảng dạy chung, trong đó có việc mời giảng viên Trung Quốc sang giảng dạy tại HCCT.
– Nghiên cứu xây dựng Trung tâm Trải nghiệm Văn hóa Trà Xuyên Biên giới, nơi quảng bá đồng thời văn hóa trà Việt Nam và Trung Hoa, góp phần đưa nghệ thuật truyền thống trở thành công cụ giáo dục và ngoại giao hiệu quả.

Lễ ký kết hôm nay không chỉ là bước đầu tiên trên văn bản, mà được kỳ vọng chuyển hóa nhanh chóng thành hành động cụ thể thông qua kế hoạch triển khai mùa hè này. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, giáo dục nghề không chỉ là đào tạo kỹ năng, mà còn là phát triển năng lực văn hóa và tư duy toàn cầu.
Ông Hoàng Tử Lượng – Cục trưởng Cục Giáo dục Nghề nghiệp thành phố Nam Kinh, cũng bày tỏ cam kết từ phía chính quyền địa phương trong việc hỗ trợ, giám sát và đồng hành cùng chương trình hợp tác. Đại diện Tập đoàn Giáo dục Quốc tế Sunwah Zhengchuwei, đơn vị kết nối hai bên cũng chia sẻ rằng chương trình hợp tác văn hóa trà giữa Việt Nam – Trung Quốc là một mô hình mẫu, hứa hẹn nhân rộng ra các lĩnh vực khác trong thời gian tới.

Lễ ký kết trực tuyến hôm nay đã đặt nền móng cho một chiến lược hợp tác toàn diện giữa hai nền giáo dục nghề nghiệp hiện đại. Với những bước đi đầu tiên là đào tạo trà đạo – một lĩnh vực tưởng chừng mang tính truyền thống – hai trường đang cùng nhau viết nên câu chuyện hội nhập thông minh và bản sắc. Không chỉ hướng đến đào tạo chất lượng cao, hợp tác này còn lan tỏa giá trị văn hóa, xây dựng năng lực giáo dục hướng tới toàn cầu hóa, và đóng góp vào sự phát triển bền vững trong Thế kỷ 21.
Một số hình ảnh tại buổi lễ:
Người thực hiện: Nguyễn Thị Quế Nhung – Phó Trưởng phòng KH, TTKĐCL