Nếu mục tiêu của bạn học tiếng Anh để làm việc thì việc tìm cách loại bỏ những sai lầm khi học tiếng Anh là rất cần thiết. Bạn hãy đọc bài viết này để tìm hiểu và biết cách phòng tránh những lỗi này nhé!
Không tìm thấy niềm vui khi học
Nếu cảm thấy việc học ngoại ngữ như một cực hình, đó là dấu hiệu bạn cần thay đổi. Vì nếu tiếp tục học theo phương pháp hiện tại, bạn sẽ chỉ lãng phí thời gian, công sức, và tiền bạc.
Sinh viên không tìm thấy niềm vui khi học – Ảnh: Internet
Thay vào đó, hãy tự đánh giá xem bản thân thích hợp học theo phong cách nào và tự tạo niềm vui khi học thông qua các trò chơi hay hoạt động kết hợp với sở thích vốn có của bản thân.
Vậy nên, nếu bạn thích xem phim hay nghe nhạc, hãy kết hợp xem phim có phụ đề tiếng Anh hay nghe nhạc tiếng Anh. Nếu thích nữ công gia chánh, bạn xem video dạy nấu ăn hoặc đọc công thức pha chế đồ uống bằng tiếng Anh.
Tâm lý sợ sai
Hầu như sinh viên đều rất ngại khi phải giao tiếp bằng Anh vì lo người khác không hiểu, sợ bị đánh giá, sợ làm trò cười cho người khác,… Lúc viết văn, cũng thường xuyên bị tắc ý tưởng vì muốn dùng từ vựng thật chuẩn, thật hay nhưng lại thiếu vốn từ. Nếu như bạn chẳng may mắc phải một lỗi sai như lỗi phát âm hay ngữ pháp, đừng ngại ngùng gì cả, cứ nói tiếp thôi.
Ngôn ngữ là kỹ năng, phải luyện tập mới giỏi. Nếu sợ sai và né tránh luyện tập, bạn sẽ mãi không bao giờ khá lên được.
Thói quen tư duy bằng tiếng Việt hoặc dịch sang tiếng Việt
Theo Christina, là một Việt kiều Mỹ: Khi nói chuyện với ai bằng tiếng Anh, người đó nói, bạn dịch sang tiếng Việt. Bạn nghĩ ra cách trả lời bằng tiếng Việt, rồi dịch sang tiếng Anh và trả lời bằng tiếng Anh. Bạn đang duy trì hai luồng suy nghĩ song song và liên tục nhảy từ luồng này sang luồng kia. Quá trình này tốn nhiều thời gian và công sức nhưng lại không hiệu quả. Nó khiến cho luồng suy nghĩ của bạn bị gián đoạn và phản xạ bị chậm lại trong khi giao tiếp. Ngoài ra, lúc dịch từ tiếng Việt sang tiếng Anh, bạn dễ mắc lỗi hành văn thiếu tự nhiên.
Ngôn ngữ bắt nguồn từ lịch sử và văn hoá. Vì thế, cách suy nghĩ, cấu trúc hành văn, và lối diễn đạt trong tiếng Việt chắc hẳn sẽ có nhiều điểm khác với tiếng Anh. Thay cho việc tư duy bằng tiếng Việt hay dịch sang tiếng Việt, bạn hãy tập thói quen suy nghĩ bằng tiếng Anh để có thể sử dụng ngoại ngữ này thành thạo và tự nhiên hơn.
Học từ vựng nhưng không sử dụng
Phần lớn sinh viên khi học tiếng Anh đều muốn học hết những từ vựng mà họ cho là cần thiết. Tuy nhiên, mỗi ngày cho dù bạn có học cả trăm từ mà không biết cách sử dụng thì cũng không hiệu quả. Cách học nhồi nhét như vậy chỉ khiến người học ngạt thở, còn từ vựng hầu hết chỉ được lưu vào bộ nhớ ngắn hạn (short-term memory). Một số từ khác được lưu vào bộ nhớ dài hạn (long-term memory) nhưng theo ngày tháng cũng mai một do ít sử dụng. Hơn thế nữa, khi gặp tình huống thực tế, sinh viên thường lúng túng và sử dụng sai. Vậy nên, khi gặp một từ mới, bạn nên đặt câu hỏi “từ này sử dụng như thế nào?” thay vì “từ này nghĩa là gì”. Giống như trong tiếng Việt, các từ/ cụm từ mặc dù có nghĩa tương tự nhau nhưng trong các ngữ cảnh khác nhau sẽ mang lại những ý nghĩa khác nhau.
Sinh viên thường lúng túng hoặc sử dụng sai từ vựng – Ảnh: Internet
Quá chú trọng vào học ngữ pháp
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, quá tập trung vào ngữ pháp là một sai lầm khi học nói tiếng Anh bởi việc này sẽ giảm khả năng giao tiếp của bạn. Ngữ pháp tiếng Anh rất phức tạp, trong khi thực tế những cuộc hội thoại đều diễn ra rất nhanh. Do đó sẽ bạn sẽ không có đủ thời gian để kiểm tra ngữ pháp, chỉnh đầu đảo đuôi cho câu nói của mình. Bạn sẽ rất dễ bị ngập ngừng, từ đó giảm mất chất lượng của cuộc trò chuyện. Hơn nữa nếu đang nói chuyện với bạn bè mà bạn dùng những ngôn từ phức tạp và nghiêm trang quá cũng sẽ làm họ thấy ngại đấy.
Không quá tập trung không có nghĩa là bạn không cần học ngữ pháp. Cũng sẽ là sai lầm nếu bạn hoàn toàn bỏ qua nó. Vì học ngôn ngữ là để giao tiếp, người tham gia giao tiếp hiểu được nội dung. Ngữ pháp của bạn sẽ được hình thành dần trong quá trình luyện các kỹ năng: nghe, nói, đọc, viết chứ không phải lúc nào cũng “quá tập trung” vào nó.
Học tiếng Anh để đối phó hay mục tiêu không rõ ràng
Không xác định mục tiêu học rõ ràng. Đây chính là sai lầm học tiếng Anh khiến nhiều sinh viên không bao giờ đến được đích như nhiều người.
Mục tiêu không rõ ràng ở đây nghĩa là sinh viên đang không biết mình cần tiếng Anh để phục vụ cho việc gì: để đi du học hay để làm việc tại các doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam? Muốn học tiếng Anh để giao tiếp hay đi làm? Khi bạn xác định được mục tiêu cụ thể, bạn sẽ biết mình cần học các khóa học như thế nào để tiết kiệm thời gian và chi phí.
Không chủ động trong giao tiếp tiếng Anh
Vì sao lại không chủ động trong giao tiếp tiếng Anh? Khi được hỏi thì phần lớn sinh viên đều trả lời là vì ngại. Tuy nhiên, nếu tính cách của bạn hay ngại là một chuyện, ngại vì tự ti về khả năng giao tiếp tiếng Anh của mình lại là một chuyện khác. Đây là sai lầm khi học giao tiếp Tiếng Anh mà rất nhiều sinh viên gặp phải. Với ngôn ngữ nào cũng vậy, nếu không chủ động trò chuyện với mọi người thì kỹ năng giao tiếp của bạn sẽ không khá lên được. Bạn sẽ bị dậm chân tại chỗ và sau đó rất dễ bị nản chí.
Trên đây là một số sai lầm học tiếng Anh mãi mà không giỏi mà hầu hết sinh viên đều mắc phải. Hy vọng qua bài viết này bạn sẽ khắc phục hoặc tránh được những lỗi sai này để có được một kết quả học tiếng Anh tốt nhất trong tương lai.
Chúc bạn thành công!
Người thực hiện: Trần Thị Phương Mai – Giảng viên khoa Ngoại ngữ