Từ những ngày đầu về công tác tại Trường Cao đẳng Thương mại và Du lịch Hà Nội vào năm 1995, thầy Nguyễn Hiếu đã âm thầm gắn bó với từng bước chuyển mình của nhà trường. Trải qua gần ba thập kỷ, thầy đi qua nhiều vị trí công tác, từ giảng dạy, công tác Đoàn, đào tạo đến quản lý, nhưng điều không thay đổi chính là sự tận tâm với nghề và tình cảm chân thành dành cho học trò, đồng nghiệp. Với thầy, mỗi dấu mốc của nhà trường là một phần ký ức, và mỗi thế hệ sinh viên là một động lực để tiếp tục nỗ lực và cống hiến.
Mục lục
Gần ba thập kỷ đồng hành cùng nhà trường và học trò
Tôi về công tác tại Trường Cao đẳng Thương mại & Du lịch Hà Nội từ năm 1995. Những ngày đầu, tôi là một giáo viên giảng dạy, đến năm 1998 thì chính thức được biên chế vào Tổ Văn hóa của Trường Trung học Thương mại và Du lịch Hà Nội (Tên gọi trước đây). Từ đó đến nay, tôi luôn được nhà trường tin tưởng giao nhiều nhiệm vụ khác nhau. Năm 1998, tôi được bầu làm Bí thư Đoàn trường và giữ cương vị này đến năm 2006, tham gia Ban thường vụ Quận đoàn Cầu Giấy từ 2002 đến 2007. Cùng với công tác Đoàn, tôi tiếp tục giảng dạy tại Tổ Văn hóa, sau đó chuyển sang Phòng Đào tạo, rồi về Phòng Công tác Học sinh , lần lượt đảm nhiệm vai trò Phó Trưởng phòng, rồi Trưởng phòng.
Năm 2008, khi nhà trường được nâng cấp thành Trường Cao đẳng, tôi tiếp tục là giảng viên kiêm Trưởng phòng Công tác Học sinh – Sinh viên. Đến năm 2013, tôi được Ban Giám hiệu và tập thể nhà trường tín nhiệm đề cử, Chủ tịch UBND thành phố bổ nhiệm giữ cương vị Phó Hiệu trưởng.
Ngoài công tác chuyên môn, tôi từng giữ chức Chủ tịch Công đoàn Trường từ năm 2010 đến 2018; là Ủy viên Ban Chấp hành Liên đoàn lao động thành phố Hà Nội. Trong công tác Đảng, tôi từng tham gia Ban Chấp hành, đảm nhiệm vai trò Ủy viên và Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng. Hiện tại, tôi là Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra và Phó Hiệu trưởng phụ trách công tác đào tạo.
Những bước ngoặt lịch sử và tầm nhìn cho một ngôi trường nghề hiện đại
Tôi đánh giá chặng đường 60 năm của nhà trường là hành trình đáng tự hào. Trải qua bao biến động, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, Ban Giám hiệu, nhà trường luôn vượt qua khó khăn và khẳng định vị thế. Sau Đại hội VI của Đảng (năm 1986) nền kinh tế và chính trị nước nhà đã có sự chuyển biến lớn, từ nền kinh tế quan liêu bao cấp sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Trước yêu cầu đổi mới, để đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực, năm 1993 nhà trường đã mở rộng ngành nghề đào tạo, đổi tên trường Trung cấp Thương nghiệp thành Trường Trung học Thương mại và Du lịch Hà Nội. Đến năm 2008, được sự quan tâm của lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo và của UBND TP Hà Nội nâng cấp trường thành trường Cao đẳng Thương mại và Du lịch Hà Nội. Những sự thay đổi trên có thể nói là những dấu mốc lớn thể hiện tầm nhìn chiến lược của tập thể lãnh đạo, tập thể cán bộ giảng viên nhà trường để nhà trường đạt vị thế như ngày hôm nay
Trong xu thế đổi mới giáo dục, trường chúng ta vừa đứng trước cơ hội, vừa đối mặt với nhiều thách thức. Cơ hội đến từ hội nhập, từ chính sách mở của Đảng và Nhà nước, từ sự quan tâm đầu tư. Nhưng thách thức lớn nhất là phải tự khẳng định mình, cả về chất và lượng. Chúng ta phải đổi mới phương pháp giảng dạy, cập nhật giáo trình, nâng cao năng lực giảng viên, thay đổi cơ chế quản lý. Quan trọng hơn cả là đáp ứng nhu cầu học tập và thực hành nghề của người học, giúp các em sau khi tốt nghiệp có việc làm, được đào tạo bài bản, thực tế, có năng lực cạnh tranh.
Trong thời gian qua, nhà trường đã mở rộng quy mô ngành nghề, như Thương mại điện tử, Truyền thông đa phương tiện, các ngành ngôn ngữ như tiếng Trung, tiếng Nhật, tiếng Hàn. Đồng thời, triển khai đào tạo từ xa, một hình thức mới, giúp đa dạng hóa mô hình đào tạo và tiếp cận nhiều đối tượng học sinh, sinh viên hơn.
Lấy chất lượng làm gốc, kết nối doanh nghiệp là chìa khóa
Khi đảm nhiệm công tác đào tạo, tôi xác định việc đầu tiên cần quan tâm là nâng cao chất lượng giáo dục. Tôi từng phụ trách các mảng thanh tra, kiểm định chất lượng, học sinh, sinh viên, đào tạo và liên kết đào tạo, nên tôi hiểu rằng chất lượng là yếu tố sống còn. Với đội ngũ cán bộ, giảng viên, chúng tôi tập trung bồi dưỡng, cập nhật kiến thức và kỹ năng mới. Các quy trình công việc được chuẩn hóa, quản lý hiện đại hóa bằng các hệ thống phần mềm như base.vn để vận hành hành chính, chuyên môn hiệu quả.
Nhà trường cũng tổ chức nhiều lớp tập huấn: về công nghệ AI, phương pháp giảng dạy tích cực, xây dựng chương trình, giáo trình, nghiên cứu khoa học… Đồng thời, chúng tôi tăng cường kết nối với doanh nghiệp, quản lý chặt chẽ quá trình thực hành – thực tập tại đơn vị ngoài trường. Việc liên kết này giúp sinh viên có môi trường rèn luyện thực tế, từ đó nâng cao chất lượng đào tạo.
Mô hình “thực học – thực hành – thực nghiệp” tại HCCT đang phát huy hiệu quả rõ rệt. Trường có quan hệ hợp tác với các tập đoàn lớn như BigC, Lotte, VinGroup, FLC, Sungroup, Melia, Metropole,.. cùng nhiều khách sạn, chuỗi bán lẻ, thương hiệu uy tín. Nhờ đó, sinh viên được thực tập 1/3 thời gian học tập tại doanh nghiệp và nhiều bạn đã có việc làm ngay từ năm thứ hai. Có sinh viên ra trường làm quản trị trang thương mại điện tử, làm bếp trưởng, lương từ 15 – 30 triệu đồng. Đó là những minh chứng sống động cho hiệu quả gắn kết giữa nhà trường và thị trường lao động.
Một đời cống hiến, một tấm lòng với nghề và thế hệ trẻ
Tôi luôn nghĩ, người làm giáo dục trước tiên phải làm bằng cái tâm. Tôi không có triết lý cao siêu gì, chỉ hay nhắc lại câu hát quen thuộc: “Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta, mà hãy hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc hôm nay.” Tôi thường nói với các giảng viên trẻ: hãy cứ cống hiến bằng đam mê, đừng quá bận tâm về lương hay lợi ích trước mắt. Làm việc nghiêm túc, hết mình rồi thành công sẽ đến. Có thể chưa thành đạt lớn lao, nhưng chắc chắn sẽ thành công trong công việc, được đồng nghiệp và học trò tin yêu.
Tôi rất trân trọng các thế hệ sinh viên. Tôi vẫn nhớ những ngày đầu, khi tôi còn trẻ, có sinh viên còn lớn tuổi hơn tôi. Suốt những năm công tác, tôi cùng các em tham gia đủ hoạt động: biểu diễn văn nghệ, hiến máu nhân đạo, tặng quà cho người nghèo, thăm gia đình thương binh – liệt sĩ… Những kỷ niệm ấy làm tôi rung động và hạnh phúc. Chúng tôi gắn bó như những người bạnđồng hành. Đó là động lực để tôi tiếp tục làm việc, tiếp tục cống hiến.
Tôi từng đại diện nhà trường nhiều lần nhận bằng khen, cờ thi đua, nhưng mỗi lần đứng lên nhận, tôi chỉ nghĩ: đây là thành quả của tập thể. Không ai một mình làm nên tất cả. Thành công của HCCT hôm nay là sự góp sức của nhiều thế hệ thầy cô, cán bộ, nhân viên, và cả các em sinh viên, những người đã nỗ lực không ngơi nghỉ để làm rạng danh ngôi trường này.
Nếu chọn ba từ để nói về HCCT, tôi xin chọn: Truyền thống – Phát triển – Bền vững. Truyền thống là nền tảng, là điều khiến chúng ta tự hào. Phát triển là điều bắt buộc phải làm để tiếp nối truyền thống đó. Và bền vững là mục tiêu lâu dài, phát triển nhưng không được rơi rớt giá trị cốt lõi.
Tôi mong sinh viên HCCT trưởng thành, trưởng thành trong suy nghĩ, hành động, tình cảm. Các bạn có thể chưa giàu vật chất, nhưng hãy giàu trách nhiệm, giàu tri thức, giàu đam mê. Các bạn trưởng thành, nhà trường cũng trưởng thành.
Và cuối cùng, tôi xin gửi lời chúc tới tất cả các thế hệ giảng viên, dù đã nghỉ hưu hay đang công tác, luôn mạnh khỏe, đồng lòng xây dựng nhà trường phát triển hơn nữa. Chúc Trường Cao đẳng Thương mại và Du lịch Hà Nội tiếp tục giữ vững truyền thống, phát triển vượt bậc và trở thành trung tâm đào tạo lớn của khu vực vào năm 2045 như kỳ vọng chung của tất cả chúng ta.
Ths. Nguyễn Hiếu – Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Thương mại & Du lịch Hà Nội