Chiều ngày 14/7/2023, Trường Cao đẳng Thương mại và Du lịch Hà Nội bế giảng lớp Bồi dưỡng nâng cao năng lực thiết kế và tổ chức dạy học nghề nghiệp theo hướng tiếp cận năng lực cho giảng viên (đợt 2).
Tham dự buổi Bế giảng về phía Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Hưng Yên có Tiến sĩ Nguyễn Hữu Hợp, Tiến sĩ Nguyễn Thị Cúc và Thạc sĩ Đoàn Thanh Hòa là các chuyên gia giảng dạy trực tiếp tại lớp học.
Về phía nhà trường có Thạc sĩ Nguyễn Thị Hồng Hoa, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó hiệu trưởng, Thạc sĩ Nguyễn Hiếu, Phó Hiệu nhà trường, cùng các học viên là giảng viên các khoa: Khoa Khách sạn du lịch, Khoa Công nghệ chế biến, Khoa học cơ bản.
Dạy học theo hướng phát triển năng lực là mô hình tập trung vào việc phát triển tối đa khả năng, năng lực của người học. Trong đó, năng lực là tổng hòa của 3 yếu tố: Kiến thức, kỹ năng, thái độ.
Qua đó, việc thiết kế hoạt động dạy và học có sự đan xen, liên quan,… nhằm mục đích giúp người học chứng minh khả năng học tập thực sự của mình. Đây là cơ sở để giảng viên có thể phát huy tính tích cực, tự giác, chủ động và tinh thần tự học để không ngừng nâng cao năng lực học tập sinh viên.
Lớp học bồi dưỡng, các học viên đã được các chuyên gia: Tiến sĩ Nguyễn Hữu Hợp, Tiến sĩ Nguyễn Thị Cúc và Thạc sĩ Đoàn Thanh Hòa đến từ Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Hưng Yên giảng giải, hướng dẫn và chia sẻ những kiến thức nhằm phát huy năng lực thiết kế và tổ chức dạy học nghề nghiệp theo hướng tiếp cận năng lực nghề nghiệp của người học cho.
Bài giảng của các chuyên gia đã truyền đạt những kiến thức cơ bản nhất và khơi dậy năng lực thiết kế và tổ chức dạy học cho các giảng viên 02 khoa mũi nhọn của nhà trường là Khoa Công nghệ chế biến và khoa Khách sạn Du lịch và hướng tiếp cận đánh giá năng lực chung của người học cho giảng viên khoa Khoa học cơ bản.
Khi tham gia lớp học các giảng viên đã tiếp cận và được trang bị và phát huy những kiến thức về năng lực thiết kế và tổ chức dạy học như: Phân tích cấu trúc một chương trình đào tạo như:
– Phân tích quy trình xây dựng cũng như thiết kế một chương trình đào tạo theo tiếp cận năng lực;
– Xác định được các yếu tố trong mô hình dạy học theo tiếp cận phát triển năng lực;
– Tổ chức dạy học theo các bước của quá trình lĩnh hội năng lực;
– Cách thiết kế dạy học theo tiếp cận năng lực:
– Thiết kế bài giảng chuẩn theo hướng tiếp cận năng lực người học,
– Thiết kế công cụ đánh giá người học, chia sẻ kinh nghiệm trong thiết kế bài giảng.
Qua các buổi học, các giảng viên tham dự đều nắm được những đặc điểm cơ bản của phương pháp dạy học theo năng lực và bồi dưỡng năng lực thiết kế và tổ chức dạy học nghề nghiệp.
– Về mục tiêu dạy học: Giảng viên phải đặt trọng tâm vào việc giúp sinh viên giải quyết vấn đề thực tế từ các tình huống trong bài học, giúp sinh viên phát huy năng lực, phẩm chất cá nhân.
– Về nội dung dạy học: Nội dung của chương trình, mô đun/môn học, bài giảng phụ thuộc vào mục tiêu đầu ra về năng lực. Chú trọng các yêu cầu để người học có thể linh hoạt vận dụng vào mọi tình huống.
– Về phương pháp dạy học: Sinh viên phải được đặt trong vị trí, vai trò làm chủ buổi học. Giảng viên chỉ thể hiện vai trò là cố vấn, hỗ trợ khi sinh viên gặp khó khăn.
– Về giáo án: Phải được thiết kế riêng và phụ thuộc vào khả năng của các nhóm học, ngành học (đối với các môn chung – môn lý luận) thay cho việc một giáo án dùng chung như trước đây.
– Về hình thức tổ chức dạy học: Giáo viên phải đẩy mạnh nhiều hình thức hoạt động dạy học khác nhau, đưa vào các tình huống cần giải quyết để giúp người học có cơ hội tìm tòi, khám phá năng lực tư duy, năng lực nghề nghiệp.
– Về môi trường học tập: Giảng viên phải xác định đó là một Không gian học tập linh hoạt, cởi mở. Lớp học có thể diễn ra ngoài trời như công viên, hoặc các phòng chức năng như phòng lab, phòng thí nghiệm, hội trường lớn,…
– Về đánh giá kết quả học tập: Xây dựng các tiêu chí đánh giá thể hiện chuẩn đầu ra môn học ( từng bài học) khả năng vận dụng vào thực tiễn. Người học được tự đánh giá và đưa ra ý kiến dựa trên các tiêu chí rõ ràng cũng như đánh giá từ phía giảng viên.
Không khí các buổi học diễn ra sôi nổi đan xen giữa việc giảng giải, trao đổi, chia sẻ giữa các chuyên gia và học viên. Các học viên đều chủ động, tích cực học tập, thảo luận mạnh dạn chia sẻ với đồng nghiệp, với chuyên gia để học hỏi, tiếp thu tối đa kiến thức để vận dụng vào công tác giảng dạy chuyên môn, khơi dậy Năng lực thiết kế và tổ chức dạy học nghề nghiệp của các giảng viên được áp dụng trong mi gi giảng
Tại buổi bế giảng, Phó hiệu trưởng Nguyễn Thị Hồng Hoa thay mặt lãnh đạo nhà trường bày tỏ lời cảm ơn sâu sắc tới các chuyên gia đã mang đến cho các giảng viên nhà trường những kiến thức, những kỹ năng bổ ích về năng lực thiết kế và tổ chức dạy học nghề nghiệp theo hướng tiếp cận phát huy năng lực người học nhằm nâng cao chất lượng đào tạo của nhà trường đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp đối với sinh viên sau tốt nghiệp.
Nhà trường hy vọng các chuyên gia sẽ tiếp tục hỗ trợ nhà trường thông qua nhiều buổi tập huấn trong thời gian tới để từng bước hoạt động đào tạo, giảng dạy của nhà trường đạt chuẩn về hoạt động thiết kế và tổ chức dạy học nghề nghiệp theo hướng tiếp cận năng lực và nâng cao năng lực thiết kế và tổ chức dạy học nghề nghiệp trong toàn trường.
Một số hình ảnh tại lớp học:
Người thực hiện: Lan Trần – Phòng Đào tạo