Bí quyết để trở thành bếp phó

   Bếp phó là một trong những vị trí cần thiết trong bộ phận bếp của nhà hàng, khách sạn hoặc những cơ sở kinh doanh ăn uống. Trong bộ phận bếp, Bếp phó là người có tiếng nói thứ hai sau Bếp trưởng. Nếu Bếp trưởng là người chịu trách nhiệm bao quát tất các các hoạt động của bộ phận bếp thì Bếp phó là người chịu trách nhiệm từng công việc cụ thể. Vị trí này phù hợp với những người yêu thích ẩm thực, muốn nâng cao tay nghề chế biến và muốn học hỏi kinh nghiệm quản lý bếp từ bếp trưởng.

   Bếp phó là người làm việc trong bộ phận bếp, hỗ trợ Bếp trưởng thực hiện các nhiệm vụ và điều hành công việc và giám sát mọi hoạt động trong bộ phận bếp. Đây là vị trí có vai trò và ý nghĩa rất quan trọng nhất là trong các nhà hàng, khách sạn lớn.

   Trong công việc, Bếp phó luôn sẵn sàng là người lên các kế hoạch triển khai thực đơn cho nhà hàng, khách sạn, đảm bảo chất lượng món ăn phục vụ thực khách, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đảm bảo duy trì chi phí thực phẩm ở mức tiêu chuẩn. Ngoài ra, Bếp phó còn hỗ trợ bếp trưởng  trong công tác tuyển chọn, đào tạo và quản lý nhân viên bộ phận bếp.

   Trong bộ phận bếp ở các nhà hàng, khách sạn lớn thì sẽ có thể có nhiều Bếp phó và mỗi Bếp phó đều cần phải nắm rõ những nhiệm vụ của mình

Arnaud Daleau-Bếp phó điều hành của Park Hyatt Saigon. Nguồn: Internet

Công việc chính của một Bếp phó

   Bếp phó với vai trò là người trợ giúp công việc cho Bếp trưởng nên là người phải thực hiện rất nhiều công việc khác nhau. Để trở thành Bếp phó, các bạn hãy cùng khám phá những công việc mà Bếp phó cần phải thực hiện nhé.

1. Hỗ trợ Bếp trưởng sắp xếp các công việc trong bộ phận bếp

   Theo sát tình hình hoạt động của nhà hàng, khách sạn để có kế hoạch sắp xếp lịch làm việc, điều chỉnh số lượng nhân viên bộ phận bếp phù hợp với mỗi ca làm việc. Bếp phó phải nắm rõ được số lượng khách đặt tiệc để thu xếp thời gian chuẩn bị nhân viên bếp làm tiệc, đảm bảo yêu cầu của khách đúng giờ.

   Bếp phó sẽ dựa vào khả năng thực hiện của bộ phận bếp mà lên kế hoạch phân công cho các trưởng ca cùng với các nhân viên làm việc trong bếp để đôn đốc công việc. Tiếp đó, Bếp phó sẽ hướng dẫn, giám sát những hoạt động của nhân viên, đôn đốc các phần việc đã phân công để công việc được tiến hành theo đúng kế hoạch đảm bảo cho các bữa tiệc diễn ra theo đúng yêu cầu của khách.

   Bếp phó cũng sẽ là người lo các phần công việc phối hợp với quản lý nhà hàng nhận thực đơn và thời gian tổ chức bữa ăn để lên kế hoạch cho bộ phận bếp tiến hành thực hiện.

Bếp phó dưới sự hướng dẫn của Bếp trưởng. Nguồn Internet

2. Góp ý xây dựng thực đơn cho nhà hàng, khách sạn

  Bếp phó sẽ cùng bếp trưởng và tất cả những bộ phận của nhà hàng họp bàn thường xuyên để lên ý tưởng cho thực đơn, đặt tên món ăn, đưa ra các chương trình ưu đãi dành cho khách hàng, khai thác tâm lý của khách hàng, góp ý trong cách phục vụ để tạo nên sự ấn tượng cho nhà hàng.

Thêm nữa, Bếp phó còn góp phần đưa ra các công thức nấu ăn, thiết lập giá cho từng món, thảo luận về cách trang trí trình bày món ăn sao cho hấp dẫn và đẹp mắt nhất.

Bếp phó góp phần xây dựng thực đơn cho nhà hàng. Nguồn Internet

3. Bếp phó tiến hành chế biến các món ăn theo thực đơn

   Các Bếp phó sẽ tiến hành trực tiếp chế biến các món ăn đặc biệt theo thực đơn nhận được từ phía quản lý của nhà hàng, đảm bảo chất lượng, hương vị đúng với tiêu chuẩn mang lại sự hài lòng cho thực khách.

   Trong những giờ cao điểm hoặc gặp khách hàng khó tính, bếp phó có thể nhận order từ các khách hàng vãng lai và tiến hành chế biến các món ăn theo order của khách, đảm bảo món ăn được dọn lên bàn đúng thời điểm khách đã đặt. Trong quá trình phục vụ khách hàng, bếp phó sẽ tiếp nhận thêm các món ăn phát sinh của khách để tiến hành chế biến nhanh chóng mang ra phục vụ khách.

4. Quản lý hàng hóa trong bếp

   Hỗ trợ Bếp trưởng trong công tác kiểm kê hàng hóa, nguyên liệu thực phẩm nhập vào cả về số lượng, chất lượng và chủng loại.

   Bếp phó sẽ tiến hành kiểm tra thường xuyên trong các kho bảo quản nguyên liệu, xem xét về số lượng các nguyên vật liệu và chất lượng của chúng để có kế hoạch bảo quản hoặc chế biến sử dụng phù hợp.

   Hủy nguyên liệu thực phẩm khi không đảm bảo chất lượng.

Bếp phó quản lý hàng hóa, nguyên liệu trong bếp. Nguồn: Internet

5. Tham gia vào công tác tuyển dụng và đào tạo nhân sự

   Nhà hàng sẽ thường xuyên có kế hoạch tuyển dụng thêm nhân lực, nhất là nhân lực trong bộ phận bếp. Đối với các nhà hàng lớn, họ có cả một hệ thống nhân viên bộ phận bếp với số lượng nhiều. Sự luân chuyển, vào ra thường xuyên của bộ phận nhân sự nhà bếp là điều thường xuyên diễn ra. Nhà hàng mong muốn tuyển dụng được các nhân sự có trình độ, tay nghề và năng khiếu ẩm thực.

   Trong công tác tuyển dụng nhân sự, Bếp phó có vai trò quan trọng. Họ điều tiết, sắp xếp công việc cho toàn bộ phận bếp và còn trợ giúp đắc lực trong công tác đào tạo nhân sự cho nhà hàng.

    Những nhân viên mới được Bếp phó đào tạo, hướng dẫn nghiệp vụ, phổ biến các quy định, quy tắc trong gian bếp.

   Công tác đào tạo kỹ năng cho nhân viên sẽ diễn ra xuyên suốt trong quá trình thực hiện công việc.

   Bếp phó phải lên kế hoạch tuyển dụng nhân sự, đề xuất nhân sự khi bộ phận bếp thiếu người hoặc khối lượng công việc đang quá tải.

   Lựa chọn những ứng viên phù hợp, có năng lực, có khiếu ẩm thực cao.

   Đào tạo và phân công cho nhân viên mới để họ làm quen với công việc.

   Đưa ra các kế hoạch để thực hiện các khoá đào tạo cho nhân viên mới, lên kế hoạch đào tạo nâng cao nghiệp vụ và kỹ năng cho toàn nhân viên làm việc trong bộ phận bếp.

Bếp phó tham gia đào tạo kỹ năng cho nhân viên. Nguồn: Internet

6. Quản lý và bảo quản các dụng cụ trong nhà bếp

   Các dụng cụ làm bếp chính là công cụ tác nghiệp của Bếp trưởng, Bếp phó và các đầu bếp trong mỗi bộ phận bếp. Chính vì thế, toàn bộ nhân viên trong bếp sẽ phải chịu trách nhiệm bảo quản thật tốt những dụng cụ này.

Bếp phó là người hỗ trợ Bếp trưởng giám sát tình hình sử dụng các dụng cụ làm bếp, quản lý số lượng và từng loại dụng cụ để đảm bảo cung cấp đầy đủ các dụng cụ làm bếp đạt chất lượng tốt.

Trong quá trình làm việc, nếu phát hiện các trang thiết bị trong nhà bếp bị hỏng hóc thì Bếp phó sẽ có trách nhiệm báo với bộ phận kỹ thuật của nhà hàng để họ sửa chữa, bảo dưỡng. Nếu có đồ dùng nào đó không thể sử dụng được nữa thì Bếp phó sẽ thống kê lại để đề xuất lên ban quản lý nhà hàng thay dụng cụ mới.

Bếp phó quản lý và bảo quản các dụng cụ trong nhà bếp. Nguồn: Internet

 7. Bếp phó thực hiện một số công việc khác

   Ngoài ra Bếp phó còn xử lý các vấn đề trong quá trình chế biến món ăn, giải quyết các vấn đề liên quan đến món ăn, giới thiệu những món ăn độc đáo của nhà hàng cho thực khách biết.

   Đồng thời, Bếp phó cũng được tham gia vào các cuộc họp của nhà hàng để nắm bắt tình hình, chủ trương, tham gia thảo luận góp ý cho các vấn đề liên quan đến bộ phận bếp. Bếp phó báo cáo công việc lên bếp trưởng, đề xuất kịp thời một số yêu cầu nếu thấy cần thiết.

  Bếp phó được xem là vị trí lãnh đạo trong nhà bếp, quản lý và điều hành mọi công việc trong bếp. Tuỳ vào từng quy mô của nhà hàng, khách sạn mà khối lượng công việc của Bếp phó khác nhau, nhiệm vụ và trách nhiệm cũng có sự khác nhau. Vì vậy, bí quyết để trở thành bếp phó là cần có kinh nghiệm trong quản lý và điều hành, biết bao quát để vận hành trôi chảy các công việc trong nhà bếp. Bếp phó cần có kỹ năng nấu ăn ngon, có khả năng lên kế hoạch công việc, năm rõ các quy định về vệ sinh và an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, Bếp phó cũng cần có khả năng giao tiếp tốt và có trách nhiệm cao với công việc của mình. Để có được những kinh nghiệm quý báu ấy, người Bếp phó cần luôn rèn luyện kỹ năng nghề và không ngừng học hỏi, sáng tạo.

Người thực hiện: Trương Thu Hiền – Giảng viên khoa Công nghệ chế biến

Nguồn tin: hcct.edu.vn

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Tìm địa điểm Trường
Gọi trực tiếp
Chat Facebook
Chat Zalo