Tiếp tục triển khai thực hiện Quyết định số 1309/QĐ-TTg ngày 05/9/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân (Đề án 1309) và Quyết định số 337/QĐ-LĐTBXH ngày 13/4/2022 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội phê duyệt Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 34/CT-TTg ngày 34/CT-TTg ngày 21/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường thực hiện Đề án đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp tổ chức các khóa tập huấn cho cán bộ quản lý, nhà giáo các cơ sở GDNN trong cả nước về kỹ năng biên soạn chương trình, tài liệu giảng dạy nội dung quyền con người ở các cấp trình độ đào tạo của giáo dục nghề nghiệp.
Khóa thứ nhất được tổ chức tại tỉnh Thái Nguyên từ ngày 09-12/11/2022 với sự tham gia của gần 80 học viên đến từ các trường cao đẳng, trung cấp khu vực miền Bắc và các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh. Khóa thứ hai được tổ chức tại TP Hồ Chí Minh từ ngày 23-26/11/2022 với sự tham gia của khoảng 180 cán bộ quản lý, nhà giáo, trong đó có gần 40 thầy cô là Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng các trường cao đẳng, trung cấp, Giám đốc, Phó Giám đốc các trung tâm GDNN đến từ các tỉnh, thành phố khu vực miền Nam, miền Trung, Tây Nguyên.
Các giảng viên tham gia giảng dạy tại khóa tập huấn là những chuyên gia trong nước và quốc tế về quyền con người, các thầy cô giáo thuộc Viện Quyền con người, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Bộ Ngoại giao và giảng viên, chuyên gia một số trường Đại học đã triển khai việc lồng ghép nội dung quyền con người trong chương trình giảng dạy tại trường.
Phát biểu khai mạc tại khóa tập huấn tại Thái Nguyên, TS. Phạm Vũ Quốc Bình, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp nhấn mạnh: “Việc lồng ghép nội dung quyền con người trong hệ thống giáo dục quốc dân nói chung và hệ thống giáo dục nghề nghiệp nói riêng chính là nhằm triển khai Chỉ thị 44-CT/TW ngày 20 tháng 7 năm 2010 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Công tác nhân quyền trong tình hình mới” và cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013 về công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người trong giai đoạn mới; đồng thời thực hiện cam kết, trách nhiệm của Nhà nước Việt Nam trước cộng đồng quốc tế về đẩy mạnh hoạt động giáo dục quyền con người. Việc tập huấn cho cán bộ quản lý và giảng viên, giáo viên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp là hoạt động cần thiết nhằm giúp người học nắm được các vấn đề cơ bản và hệ thống về vấn đề quyền con người đồng thời hình thành kỹ năng đưa nội dung, phương pháp giáo dục quyền con người vào chương trình đào tạo, thực hành một số kỹ năng, phương pháp lồng ghép giáo dục quyền con người vào chương trình đào tạo”.
Tham gia các hội thảo, tập huấn do Tổng cục tổ chức năm 2020, 2021 phần lớn là các cơ sở GDNN khu vực miền Bắc nên các học viên được tập huấn năm nay hầu hết chưa được tiếp cận với Đề án 1309 cũng như những kiến thức chung về vấn đề quyền con người. Chính vì thế, chương trình tập huấn năm nay có sự đổi mới, kết hợp giữa góc nhìn của chuyên gia trong nước và chuyên gia quốc tế, giữa các chuyên đề lý thuyết và thực hành, các ví dụ cụ thể về việc lồng ghép nội dung quyền con người tại một số cơ sở đào tạo, sự kết hợp giữa các chuyên gia cùng đội ngũ giảng viên nguồn do Tổng cục lựa chọn từ các trường đã giúp người học cách tiếp cận đa chiều cũng như nắm được kỹ năng, phương pháp lồng ghép.
Các học viên đã tích cực trao đổi, thảo luận, đóng góp ý kiến cũng như chia sẻ những khó khăn tại cơ sở mình khi triển khai Đề án 1309 của Thủ tướng Chính phủ. Trong điều kiện thời lượng các môn học chung, môn học lý thuyết rất hạn chế, việc tích hợp, lồng ghép nội dung quyền con người vào môn lý luận chung về nhà nước và pháp luật với thời lượng 8 giờ đối với các trường cao đẳng khối luật, hành chính, nội chính; lồng ghép, tích hợp vào môn pháp luật hoặc pháp luật đại cương với thời lượng ít nhất 6 giờ đối với các trường cao đẳng không thuộc khối luật, hành chính, nội chính như quy định của Đề án 1309 là một thách thức rất lớn.
Trong quá trình thảo luận, các học viên cũng đã được chia thành các nhóm trường theo nhóm ngành đào tạo và đối tượng đào tạo (dịch vụ, y tế, du lịch, luật, kỹ thuật; nhóm trường có nhiều học sinh, sinh viên là người dân tộc thiểu số, nhóm các trường trung cấp…) để giải quyết các tình huống giả định và trao đổi, thống nhất về việc lồng ghép nội dung quyền con người theo Khung tài liệu tập huấn đã được các chuyên gia xây dựng (Khung logic). Đa số các ý kiến cho rằng, việc lồng ghép nội dung quyền con người trong môn pháp luật, chính trị hoặc trong tuần lễ sinh hoạt đầu khóa cho học sinh, sinh viên là phương án khả thi và dễ thực hiện đối với các trường. Bên cạnh đó, cũng rất nhiều trường đề xuất tăng thêm số giờ giảng đối với môn pháp luật/pháp luật đại cương để có thể lồng ghép các nội dung theo yêu cầu của Đề án.
Phương án tối ưu nhất và cũng là xu thế quốc tế đó chính là lồng ghép nội dung quyền con người vào toàn bộ các hoạt động Dạy – Học của các trường nhận được sự ủng hộ nhiều nhất, tuy nhiên cũng là phương án khó nhất do gặp các khó khăn, trở ngại, từ ý thức, nhận thức của lãnh đạo, năng lực của giáo viên các trường, đặc thù đa ngành nghề của GDNN, trình độ đầu vào của học sinh, sinh viên và nguồn kinh phí thực hiện… trong đó quan trọng nhất chính là nhận thức và sự quan tâm của lãnh đạo trường và sự quyết tâm triển khai của chính các thầy cô giáo.
Sau khóa tập huấn, Tổng cục GDNN sẽ phối hợp với các cơ quan, đối tác có liên quan xây dựng các tài liệu tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho nhà giáo, học sinh, sinh viên các cơ sở GDNN thông qua các cuộc thi tìm hiểu về quyền con người cũng như xem xét, đề xuất lựa chọn một số trường để thí điểm mô hình “Trường học vì quyền con người” để đánh giá, rút kinh nghiệm cũng như lựa chọn hướng đi phù hợp nhất trong việc lồng ghép nội dung quyền con người trước khi nhân rộng và áp dụng trong toàn hệ thống./.
Nguồn tin: Văn phòng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp.