Lễ hội mùa xuân ở Việt Nam là một trong những nét đẹp văn hóa truyền thống và mang đậm nét tâm linh trong bản sắc văn hóa dân tộc, thường được tổ chức sau mỗi dịp Tết Nguyên Đán. Các lễ hội mùa xuân thể hiện phong tục tập quán sinh sống của người dân bản địa hòa vào những nét văn hóa lịch sử hào khí chung của dân tộc vì thế luôn thu hút được đông đảo du khách trong và ngoài nước đến chiêm bái, tham quan. Hãy cùng chúng tôi khám phá những điểm du lịch gắn liền với các lễ hội Mùa xuân đặc sắc nhất của người Việt trong bài viết này nhé!
Mục lục
- 1 Lễ hội gò Đống Đa – Hà Nội (ngày mùng 5 tháng Giêng)
- 1.1 Lễ hội chợ Viềng – Nam Định (từ đêm ngày mùng 7, sáng ngày mùng 8 tháng Giêng)
- 1.1.1 Lễ hội Yên Tử – Quảng Ninh (từ ngày mùng 10 tháng Giêng)
- 1.1.2 Giỗ Tổ Hùng Vương – Phú Thọ (ngày mùng 5 – 10 tháng Ba)
- 1.1.3 “Dù ai đi ngược về xuôi
- 1.1.4 Nhớ ngày Giỗ Tổ mùng mười tháng ba”
- 1.1.5 Hội vật làng Sình – Thừa Thiên – Huế (ngày mùng 10 tháng Giêng)
- 1.1.6 Lễ hội Cầu Ngư – các tỉnh ven biển Nam Trung Bộ (tháng Giêng hàng năm)
- 1.1.7 Lễ hội chùa Bà Thiên Hậu -Bình Dương (từ ngày 13 – 16 tháng Giêng)
- 1.1.8 Lễ hội đền Đức Thánh Trần – TP.Hồ Chí Minh (từ ngày mùng 8 -10 tháng Giêng)
- 1.1 Lễ hội chợ Viềng – Nam Định (từ đêm ngày mùng 7, sáng ngày mùng 8 tháng Giêng)
Lễ hội gò Đống Đa – Hà Nội (ngày mùng 5 tháng Giêng)
Đây là một trong những lễ hội lớn diễn ra tại trung tâm thành phố Hà Nội, được diễn ra vào ngày mùng 5 Tết. Từ sau ngày giải phóng Thủ Đô 10/10/1954, lễ hội gò Đống Đa được coi là Quốc lễ.
Lễ hội nhằm tái hiện lại chiến thắng gò Đống Đa vang danh lịch sử và đ tưởng nhớ chiến công lẫy lừng của vua Quang Trung. Bạn sẽ được chứng kiến các trò chơi vui khỏe, thể hiện tinh thần thượng võ và chứng kiến lễ cầu siêu, dâng hương tưởng nhớ công ơn của các vị anh hùng đã hy sinh vì dân vì nước.
Lễ hội Đống Đa được tổ chức không chỉ bày tỏ lòng biết ơn đối với vị anh hùng Dân tộc mà còn thể hiện hào khí của dân tộc Việt Nam trong quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước sẽ được các thế hệ sau tiếp nối là tạo nên một Việt nam tươi đẹp sách vai với các cường quốc năm Châu. Đến nơi đây, các du khách sẽ cảm thấy lòng tự hào dân tộc, lòng biết ơn các vị anh hùng đã có công giữ nước và xây dựng đất nước của dân tộc ta, đồng thời phát huy truyền thống uống nước nhớ nguồn của dân tộc.
Lễ hội chợ Viềng – Nam Định (từ đêm ngày mùng 7, sáng ngày mùng 8 tháng Giêng)
Phiên chợ Viềng tại Nam Định nổi tiếng trong các Lễ hội mùa xuân tại Việt Nam. Người ta đi chợ Viềng với mong muốn “mua may bán rủi”, dù không mang nhiều tính thương mại nhưng lại có ý nghĩa tâm linh sâu sắc, cầu may mắn, mưa thuận gió hòa, làm ăn thuận lợi theo quan niệm truyền thống.
Lễ hội diễn ra vào đêm mùng 7, rạng sáng mùng 8 tháng Giêng Âm lịch và thu hút rất đông người dân, khách du lịch tới tham gia. Các mặt hàng tại chợ Viềng hết sức đa dạng, từ đồ ăn cho tới các vật dụng thôn quê quen thuộc như thúng, đơm, giỏ, đó, đòn gánh, cuốc xẻng… mỗi du khách có thể lựa chọn mua một thứ đồ yêu thích để lấy “may”.
Đặc biệt, chợ Viềng cũng gần ngay quần thể di tích Phủ Dầy nên du khách hoàn toàn có thể kết hợp để trải nghiệm hết nét văn hóa đặc biệt tại vùng đất Vụ Bản, Nam Định.
Lễ hội Yên Tử – Quảng Ninh (từ ngày mùng 10 tháng Giêng)
Yên Tử là một địa danh không chỉ nổi tiếng với cảnh đẹp thiên nhiên hùng vĩ mà còn là nơi tín ngưỡng tâm linh của rất nhiều du khách trong và ngoài nước nhất là trong mỗi dịp xuân về. Yên Tử chính là nơi bắt nguồn của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử và cũng là trung tâm Phật Giáo Việt Nam.
Lễ hội Yên Tử sẽ bắt đầu từ ngày mùng 10 tháng Giêng hàng năm và kéo dài đến tận tháng 3 âm lịch. Du khách có thể tới Yên Tử để tham quan ngôi chùa bằng đồng ấn tượng nằm trên đỉnh núi và du xuân vãn cảnh thiên nhiên hùng vĩ của đất Việt, thưởng ngoạn tiết trời xuân và cầu bình an, may mắn cho cả năm mọi sự được thuận buồm xuôi gió.
Lễ hội khai ấn Đền Trần – Nam Định (từ ngày 13 – 15 tháng Giêng)
Là một trong những lễ hội đầu xuân nổi tiếng ở Việt Nam (phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định) rất linh thiêng và diễn ra thật trang nghiêm. Lễ hội diễn ra trong 3 ngày từ 13 đến 15 tháng Giêng hàng năm để tri ân công đức của 14 vị vua Trần. Hội sẽ được bắt đầu với Lễ Khai ấn, diễn ra vào giờ Tý và Ấn được phát tại 3 nhà: nhà Trưng bày đền Trùng Hoa, nhà Giải Vũ và một điểm trong khu vực vườn cây thuộc đền Trần.
Hầu hết du khách tới lễ hội Đền Trần đều mong muốn có một tờ Ấn và mong ước một năm nhiều may mắn an yên và nhất là công danh sự nghiệp thăng tiến, thuận buồm xuối gió, công việc hanh thông phát triển.
Ngoài lễ phát Ấn, lễ hội còn tổ chức những hoạt động lễ hội truyền thống như: Múa rồng, múa lân, hát chèo, hát chầu văn, thi đấu cờ người…để phục vụ du khách tham quan.
Hội Lim – Bắc Ninh (từ ngày 12 – 14 tháng Giêng)
Đến hẹn lại lên, hàng năm từ ngày 12 – 14 tháng Giêng du khách bốn phương nô nức kéo về huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh để trẩy hội Lim – một trong những Lễ hội độc đáo ở miền Bắc. Đây là lễ hội lớn trên vùng đất quê hương Kinh Bắc với nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật đặc sắc cổ truyền, đặc biệt là hát quan họ trên thuyền.
Ngoài ra, trong ngày lễ còn có nhiều trò chơi dân gian như đấu võ, đấu vật, đấu cờ, đu tiên, thi dệt cửi, nấu cơm, thi cờ người… đều được diễn ra làm phong phú thêm cho ngày lễ nhưng vẫn mang đậm nét cổ truyền dân tộc trong những ngày đầu năm mới trong tiết xuân ấm áp của đất trời và tình người hòa quyện vào nhau.
Tại Lễ hội, các du khách có thể cùng tham gia các trò chơi dân gian truyền thống của Tết xưa, giữ gìn những nét đẹp văn hóa của dân tộc Việt Nam nói chung và văn hóa đặc sắc của quê hương Kinh Bắc nói riêng.
Giỗ Tổ Hùng Vương – Phú Thọ (ngày mùng 5 – 10 tháng Ba)
“Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày Giỗ Tổ mùng mười tháng ba”
Lễ hội Đền Hùng là một trong những lễ hội mùa xuân lớn nhất cả nước nhằm tưởng nhớ công ơn của các vị vua Hùng đã có công dựng nước và giữ nước qua nhiều đời tại vùng đất linh thiêng Phú Thọ. Lễ hội được tổ chức trong vòng 6 ngày từ mùng 5 đến ngày 10 tháng 3 âm lịch.
Nghi lễ sẽ gồm 2 phần chính gồm: Lễ Rước kiệu vua và Lễ Dâng hương. Ngoài ra, lễ hội cũng diễn ra rất nhiều hoạt động văn hóa và trò chơi dân gian hấp dẫn như: Hát xoan, đấu vật, kéo co, bơi… Lễ hội Đền Hùng đã được toàn thể dân tộc Việt Nam hướng tới dù gần hay xa, ngày mùng 10 tháng 3 âm lịch hàng năm đã trở thành ngày Quốc lễ và toàn thể nhân dân được nghỉ để hướng tới Lễ Tổ vua Hùng.
Ngoài ra, các bạn có thể ghé thăm một số lễ hội độc đáo ở miền Bắc khác như: Lễ hội Chùa Thầy – Hà Nội (diễn ra từ ngày 5-7 tháng 3 Âm lịch), lễ hội chùa Keo (Thái Bình), lễ hội Đền Gióng (Sóc Sơn)…
Lễ hội đền vua Mai – Nghệ An ( Từ mùng 3 – 5 tháng Giêng)
Lễ hội diễn ra từ ngày mùng 3 đến mùng 5 Tết. Lễ hội được tổ chức để tưởng nhớ đến vua Mai Hắc Đế, tên thật là Mai Thúc Loan, được sinh ra và lớn lên lại xã Đông Liệt (nay đã được đổi tên thành xã Nam Thái, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An).
Hội vật làng Sình – Thừa Thiên – Huế (ngày mùng 10 tháng Giêng)
Lễ hội vật làng Sình là truyền thống mang đậm những nét văn hóa đặc sắc của cố đô Huế. Hội diễn ra vào ngày mùng 10 tháng Giêng âm lịch hàng năm mang đến những trải nghiệm tuyệt vời, kích thích việc rèn luyện sức khỏe, sự tự tin, lòng dũng cảm đối với thế hệ thanh niên.
Lễ hội Cầu Ngư – các tỉnh ven biển Nam Trung Bộ (tháng Giêng hàng năm)
Lễ hội Cầu Ngư còn có tên gọi khác là Lễ hội Cá Ông, được xem là một trong những lễ hội văn hóa đặc trưng của các ngư dân làng chài ven biển Nam Trung Bộ. Cuộc sống của người dân vùng ven biển nam Trung Bộ luôn gắn liền với nghề chài cá, do đó lễ hội diễn ra được xem như là bản sắc riêng của các ngư dân vùng ven biển này.
Tại Lễ hội những bộ trang phục truyền thống cùng phong tục thờ cúng Cá Ông theo truyền thuyết dân gian được người dân nơi đây thiết kế và mặc là trang phục chính của lễ hội, thể hiện nét riêng của văn hóa ngư dân làng chài ven biển. Lễ hội sẽ được tổ chức vào tháng Giêng hàng năm ngay tại các bãi biển với mong muốn cầu cho một năm mưa thuận gió hòa, tôm cá đầy khoang.
Lễ hội núi Bà Đen – Tây Ninh (Mùng 4 Tết)
Tây Ninh được đánh giá là vùng đất tâm linh vào hàng bậc nhất tại khu vực phía Nam, là một trong những lễ hội mùa xuân lớn nhất phía Nam diễn ra từ mùng 4 Tết. Vị thần thờ chính trên núi là Bà Đen hay còn gọi là Linh Sơn Thánh Mẫu. Bà được thờ ở Điện Bà ở khoảng lưng chừng núi.
Hàng năm từ chiều 30 Tết nguyên Đán đến suốt tháng Giêng, tháng hai âm lịch, đặc biệt là ngày rằm tháng Giêng du khách đổ về hành hương, lễ bái và tham quan rất đông tại núi Bà Đen.
Trên đường leo núi du khách có thể dừng chân tại đền Linh Sơn Thánh Mẫu hoặc Miếu Sơn Thần. Du khách trẩy hội Bà Đen để cầu hộ, giải tỏa nhu cầu tâm linh và cũng là dịp ngắm phong cảnh hùng vĩ của núi Bà Đen.
Lễ hội chùa Bà Thiên Hậu -Bình Dương (từ ngày 13 – 16 tháng Giêng)
Lễ hội chùa Bà Thiên Hậu (hội chùa Bà) bắt đầu từ ngày 13 tháng Giêng và diễn ra trong 3 ngày, mang đậm nét văn hóa độc đáo của vùng Đông Nam Bộ. Ở hội chùa Bà Thiên Hậu, người dân thường bày bàn cúng trước cửa vào đêm 13 tháng Giêng để chuẩn bị rước Bà vào sáng hôm sau.
Lễ rước Bà diễn ra vào ngày 14 theo nghi thức truyền thống. Bà được rước quanh phố cùng đoàn múa lân sư tử, cờ xí, rồng… Sau đó dân chúng khắp nơi đổ về thắp hương và cầu mong phúc lộc, bình an.
Lễ hội đền Đức Thánh Trần – TP.Hồ Chí Minh (từ ngày mùng 8 -10 tháng Giêng)
Nhắc đến lễ hội mùa xuân đầu năm không thể không nhắc tới hội đền Đức Thánh Trần tại TP. Hồ Chí Minh. Đây được xem là một trong những lễ hội tâm linh lớn nhất của thành phố mang tên Bác.
Lễ hội được diễn ra từ ngày mùng 8 đến ngày 10 tháng Giêng âm lịch hàng năm, để tri ân công đức Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, và cũng là dịp để giáo dục truyền thống, lịch sử cho thế hệ thanh niên kế cận tiếp bước.
Du xuân qua các Lễ hội đầu năm dường như đã trở thành nét văn hóa tốt đẹp của người Việt, mọi người thường đến các chùa, đền linh thiêng để cầu mong cho năm mới quốc thái dân an, nắng mưa hòa thuận, trời đất giao hòa, gặp nhiều may mắn, có nhiều sức khỏe. Lễ hội đầu năm như là một nét sinh hoạt văn hóa cổ truyền thật đẹp quen thuộc của người Việt cho dù ở bất cứ nơi đâu.
Du lịch tâm linh sẽ được thực hiện quanh năm bởi các du khách, nhưng vào đầu mỗi năm các du khách vừa tham gia lễ hội, vừa ngắm cảnh thiên nhiên tại các địa phương, sinh hoạt văn hóa bản địa cùng với cư dân trong những trò chơi được tổ chức tại lễ hội. Chúc các bạn có một mùa lễ hội vui vẻ, có những chuyến du xuân thú vị bởi những nét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt.
Thực hiện: Tuệ Minh