Hiệu trưởng Trịnh Thị Thu Hà: Cần tuyên truyền sâu rộng nâng cao nhận thức về học nghề, hướng nghiệp hiệu quả Thủ đô

Sáng 14/11, Ban Chỉ đạo Chương trình số 06-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội tổ chức Hội nghị đánh giá công tác nâng cao chất lượng nguồn nhân lực theo Chương trình số 06-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh” giai đoạn 2021-2025.

Quang cảnh Hội nghị.

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong, Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình số 06-CTr/TU chủ trì và phát triển chỉ đạo tại Hội nghị. Tham dự Hội nghị còn có đại diện lãnh đạo các Sở, ngành, đơn vị liên quan cùng 19 trường cao đẳng, trung cấp công lập thuộc thành phố Hà Nội.

Tham dự Hội nghị, về phía Trường Cao đẳng Thương mại và Du lịch Hà Nội có TS. Trịnh Thị Thu Hà, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng; ThS. Nguyễn Thị Hồng Hoa, Phó Hiệu trưởng; ThS. Nguyễn Hiếu, Phó Hiệu trưởng.

Mỗi năm tuyển sinh đào tạo nghề cho 237.000 lượt người

Trình bày báo cáo tại Hội nghị, Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội Hoàng Thành Thái cho biết, căn cứ Chương trình 06-CTr/TU và Kế hoạch số 176/KH-UBND ngày 30/7/2021 của UBND Thành phố về triển khai thực hiện Chương trình 06-CTr/TU, Sở Lao động Thương binh và Xã hội đã tham mưu UBND Thành phố ban hành nhiều văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện công tác đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Đến nay, trên địa bàn Thành phố có 352 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Trong đó chia theo loại hình đơn vị, với 69 trường cao đẳng, 83 trường trung cấp, 48 trung tâm giáo dục nghề nghiệp/dạy nghề, 18 trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên và 134 doanh nghiệp, loại hình khác. Thành phố có 19 trường trung cấp, cao đẳng công lập trực thuộc, (10 trường cao đẳng, 9 trường trung cấp).

Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội Hà Nội Hoàng Thành Thái báo cáo tại Hội nghị.

Trong giai đoạn 2021 – 2022, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố thực hiện tuyển sinh đào tạo 474.393/445.000 lượt người, trung bình mỗi năm các cơ sở này thực hiện tuyển sinh đào tạo 237.000 lượt người, đạt 103,04% chỉ tiêu đề ra tại Chương trình số 06-CTr/TU của Thành uỷ, đạt 106,61% so với kế hoạch đề ra giai đoạn 2021 – 2022.

Trong 10 tháng năm 2023, các cơ sở có hoạt động giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn Thành phố tuyển sinh đạt 220.800 người, đạt 96% kế hoạch tuyển sinh năm 2023, tăng 2,91% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, tỷ lệ học sinh, sinh viên, học viên có việc làm sau tốt nghiệp đạt 70 – 80%. Nhiều ngành nghề khi học sinh, sinh viên ra trường được doanh nghiệp tuyển dụng 100% như nghề Kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí, nghề Công nghệ Kỹ thuật điện, điện tử, công nghệ sơn ô tô, công nghệ ô tô, tự động hóa…

 “Chất lượng giáo dục nghề nghiệp Thủ đô đã có những bước phát triển mạnh, khẳng định được chất lượng giáo dục nghề nghiệp Thủ đô với cả nước, đáp ứng được nhu cầu nguồn nhân lực cho thị trường lao động. Theo thống kê, điều tra của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam được thực hiện thường niên hằng năm về “Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh – PCI”, trong đó có chỉ số thành phần là “Chỉ số đào tạo lao động” được các doanh nghiệp đánh giá cao trong những năm qua”, ông Hoàng Thành Thái thông tin.

Cũng theo Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội Hà Nội, công tác đào tạo gắn với doanh nghiệp luôn được Thành phố quan tâm chú trọng, coi đây là một giải pháp thúc đẩy mạnh kết quả tuyển sinh, nâng cao chất lượng đào tạo nghề. Kết quả từ năm 2021 đến nay, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã hợp tác với gần 3.000 lượt doanh nghiệp với nhiều nội dung, hình thức phối hợp đa dạng như: Tiếp nhận 104.053 học sinh, sinh viên đến thực hành, thực tập tại doanh nghiệp; 1.705 doanh nghiệp tuyển dụng 397.901 học sinh, sinh viên vào làm việc sau khi tốt nghiệp; 1.301 doanh nghiệp đặt hàng đào tạo đối với 328.063 học sinh, sinh viên…

Bên cạnh kết quả đạt được, công tác tuyển sinh trình độ trung cấp, cao đẳng của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chưa đạt được kết quả như mong muốn. Tâm lý trọng bằng cấp vẫn còn tồn tại trong suy nghĩ của một số người dân. Trong đó, đa số học sinh sau khi tốt nghiệp THPT đều đặt mục tiêu vào đại học, không muốn đi học nghề. Trong khi đó, Thủ đô là nơi tập trung nhiều trường đại học, các trường đại học có chỉ tiêu tuyển sinh lớn, tiêu chí xét tuyển thấp. Do vậy, các trường trung cấp, cao đẳng rất khó để cạnh tranh tuyển sinh với các trường đại học…

 

Tập trung tháo gỡ khó khăn cho đào tạo nghề

Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận về những thuận lợi cũng như những khó khăn, kiến nghị cho công tác tuyển sinh, đào tạo và phân luồng học sinh tham gia học cấp giáo dục nghề nghiệp; vấn đề đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, xây dựng phát triển trường chất lượng cao, nghề trọng điểm; công tác tự chủ theo Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ. Cùng với đó là vấn đề hợp tác công tư; tiếp cận và tiếp nhận các nguồn tài trợ của doanh nghiệp trong và ngoài nước cho hoạt động giáo dục nghề nghiệp;…

Tiến sĩ Trịnh Thị Thu Hà, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Thương mại và Du lịch Hà Nội nêu ý kiến đề xuất tại Hội nghị.

Tiến sĩ Trịnh Thị Thu Hà, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Thương mại và Du lịch Hà Nội cho biết, do tuyển sinh cao đẳng chưa được đưa vào hệ thống tuyển sinh chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo nên số lượng các thí sinh có nguyện vọng đăng ký vào các trường cao đẳng giảm theo từng năm. Ngân sách dành cho công tác tuyển sinh ngày càng hạn hẹp vì các trường tự chủ, học phí đến năm thứ 4 không được tăng.

Ngoài ra, hoạt động quảng bá, tư vấn tuyển sinh được thực hiện theo mùa vụ, thiếu tính thường xuyên, chuyên nghiệp. Tâm lý e ngại học nghề khó kiếm việc làm, việc làm vất vả, lương thấp dẫn tới tuyển sinh học nghề khó khăn. Không có kinh phí để xây dựng nền tảng số phục vụ công tác tuyển sinh nên hiệu quả không cao. Nhà trường thiếu các phần mềm, các nền tảng, hạ tầng công nghệ thông tin đào tạo chuyên môn nên không đáp ứng được yêu cầu của xã hội; không đáp ứng được chủ trương đa dạng hóa hình thức đào tạo…

Từ đó, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Thương mại và Du lịch Hà Nội kiến nghị Thành phố quan tâm tuyên truyền sâu rộng nâng cao nhận thức về học nghề, hướng nghiệp hiệu quả có sự tham gia trực tiếp của các trường nghề tại các trường THPT. Đồng thời bố trí kinh phí cho các trường đầu tư xây dựng số hoá trong công tác tuyển sinh, đào tạo. Đẩy mạnh công tác truyền thông trên hệ thống báo chí để thu hút tuyển sinh. Có cơ chế vinh danh, khen thưởng đối với các doanh nghiệp khi tham gia hỗ trợ, hợp tác với các trường. Các sở, ngành cung cấp, xây dựng định hướng giúp các trường làm tốt công tác đào tạo…

Lãnh đạo một số trường cao đẳng, trung cấp nghề Thành phố cũng kiến nghị, đẩy mạnh số lần hội nghị tư vấn hướng nghiệp hằng năm thay vì tổ chức 1 lần/năm có thể tổ chức nhiều lần/năm tại các quận huyện khác nhau. Thành phố có cơ chế hỗ trợ mức học phí đối với người học trình độ cao đẳng nhằm thu hút được các em học sinh tốt nghiệp THPT tham gia vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp…

 

Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong đào tạo nghề chất lượng cao

Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong biểu dương Sở Lao động Thương binh và Xã hội cùng đại diện lãnh đạo các trường cao đẳng, trung cấp công lập thuộc Thành phố đã tham dự Hội nghị lần này. Đây là dịp quan trọng để lãnh đạo Thành phố lắng nghe, chia sẻ và qua đó đánh giá toàn diện về công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực theo các Nghị quyết của Trung ương và thành phố. Trong đó, việc phát triển của Thủ đô trong giai đoạn tới cần được đẩy mạnh trên 3 trụ cột quan trọng gồm: Văn hiến, văn hóa Hà Nội; nguồn nhân lực chất lượng cao; đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ và chuyển đổi số.

Chia sẻ ý nghĩa cũng như những nội dung quan trọng của Chương trình số 06-CTr/TU, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cho rằng, việc đầu tư cho lĩnh vực giáo dục thời gian qua của Thành phố mới chỉ dừng lại ở giáo dục phổ thông, Trường Đại học Thủ đô, Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong. Trong khi đó, giáo dục nghề nghiệp liên quan trực tiếp đến nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô dù được đầu tư nhưng chưa thực sự thỏa đáng, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn.

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.

Phó Bí thư Thành ủy chia sẻ với các nhóm khó khăn mà các trường đang gặp phải, trong đó có tự chủ tài chính, công tác tuyển sinh… Trong bối cảnh đó, công tác đào tạo nghề trên địa bàn Thành phố vẫn có nhiều đóng góp quan trọng trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô. Phó Bí thư Thành ủy đánh giá cao sự phối hợp giữa các nhà trường với doanh nghiệp để đào tạo nghề gắn với thị trường theo xu hướng chung của thế giới hiện nay. Trong đó, chú trong công tác thực hành, chứ không “đào tạo chay”, đây là một xu hướng tích cực mà có sự đóng góp rất lớn của các nhà trường.

Về nhiệm vụ thời gian tới, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong đề nghị các đơn vị liên quan cần phải thay đổi nhận thức rằng, giáo dục nghề nghiệp cùng với giáo dục phổ thông hình thành nên hệ thống giáo dục hoàn chỉnh và mỗi loại hình có vai trò, vị trí quan trọng khác nhau nhằm góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của Thủ đô. Theo xu hướng của thế giới là phải phân luồng học sinh từ sớm, vì thế hệ thống trường nghề có vai trò quan trọng trong đào tạo nghề, bổ cập kiến thức nghề và đào tạo nghề ngắn hạn… phục vụ nhu cầu của xã hội.

Dẫn chứng hiện nay trên địa bàn Thành phố có 1.300 làng nghề và làng có nghề. Đây là nguồn lực lớn để thành phố vừa phát triển kinh tế-xã hội vừa bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa và phát triển công nghiệp văn hóa. Trong bối cảnh nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể bị tác động nghiêm trọng, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong đề nghị các trường nghề cần có vai trò quan trọng hơn trong việc vừa đào tạo nghề vừa góp phần bảo tồn, phát triển các nghề truyền thống của Hà Nội.

Hiệu trưởng Trịnh Thị Thu Hà cùng các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đón nhận hoa chúc mừng đến từ Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong, Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình số 06-CTr/TU  nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.

Trên cơ sở kiến nghị của các nhà trường, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cho rằng cần đầu tư hơn nữa cho công tác đào tạo nghề, từ việc đầu tư cơ sở vật chất, chất lượng nguồn nhân lực, đến các cơ chế chính sách giúp các nhà trường tháo gỡ khó khăn.

Phó Hiệu trưởng Nguyễn Thị Hồng Hoa cùng các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đón nhận hoa đến từ Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội Bạch Liên Hương nhân ngày 20/11

Từ thực tế hoạt động của các trường cao đẳng, trung cấp công lập hiện nay, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong, Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình số 06-CTr/TU của Thành ủy cũng đề nghị UBND Thành phố cần sớm có quy hoạch mạng lưới các trường nghề theo đúng định hướng của Thành phố giai đoạn 2030-2045. Trong đó, sớm tháo gỡ những khó khăn cho các nhà trường khi thực hiện tự chủ tài chính; đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong đào tạo nghề chất lượng cao; đồng thời xây dựng kế hoạch đào tạo đội ngũ giảng viên tại các trường nghề…

Ban Truyền thông

Bài viết cùng chủ đề:

Tìm địa điểm Trường
Gọi trực tiếp
Chat Facebook
Chat Zalo