Thực tế, du khách nước ngoài không chỉ tham quan thắng cảnh mà còn muốn tìm hiểu tập quán, phong cách sống của người Việt. Anh Hùng, một hướng dẫn viên tiếng Nhật thâm niên gần 10 năm kể, bất kỳ thấy những sự vật, hiện tượng lạ là du khách đều tò mò tìm hiểu và không ngại đưa ra những thắc mắc. Đường phố tràn ngập xe máy thì du khách hỏi: Tại sao người dân Việt Nam lại thích đi xe máy?. Gặp quán bán thịt chó đang thui chó, khách thắc mắc: đó là con gì? sao lại bán như vậy?. Thấy cây xanh được sơn trắng, đánh số, họ cũng lấy làm lạ và hỏi tại sao?.
Nhiều khách du lịch còn quan tâm GDP, dân số, thu nhập của người dân thành thị, nông thôn… Những lúc đó, hướng dẫn viên phải “vắt óc” tìm câu trả lời. “Có những vấn đề tưởng đơn giản nhưng thật khó trả lời nếu không tìm hiểu trước”.
Một hướng dẫn viên trẻ kể lại: Hồi mới vào nghề, khi đi qua đồng ruộng, ông khách người Israel đòi dừng xe và sà ngay xuống. Ông tỉ mỉ hỏi hướng dẫn viên quy trình trồng lúa trong khi hướng dẫn viên này sinh ra ở thành thị và chưa từng bước chân xuống ruộng. Gặp cây là lạ trên đường là ông khách hỏi ngay: Đây là cây gì?, trồng như thế nào?. “Ông khách nghĩ là hướng dẫn viên cái gì cũng biết nên hỏi rất nhiều. May là mình cũng nghe nhiều về các loại cây và con”.
“Không biết thì… bịa”, một số “tour guide” thổ lộ. Dẫn khách tới hang Tám Cô trên tuyến đường Hồ Chí Minh, hướng dẫn viên biết láng máng rằng hang có tên Tám Cô vì có 8 cô thanh niên xung phong đã bị chết bị bom đạn tại đây. Tuy nhiên, anh diễn giải cả một chặng đường chiến tranh của dân tộc khiến các du khách nước ngoài xúc động, một số Việt kiều nức nở khóc.
Tuy nhiên, không hẳn thông tin mà hướng dẫn viên đưa ra được du khách tin tưởng tuyệt đối. Một du khách nước ngoài từng phàn nàn rằng, ông hỏi 3 hướng dẫn viên tại Bắc, Trung, Nam trong chuyến xuyên Việt về số lượng dân số Việt Nam hiện tại thì mỗi người nói một kiểu. Người thì nói 80 triệu, người cho con số 81 triệu, người khác thì 83 triệu… nên du khách này vẫn chưa biết số dân Việt Nam chính xác là bao nhiêu.
Ngoài ra, các cuốn sách viết về du lịch hiện khá phong phú, được bán trong và ngoài nước (cả sách chính thống và sách lậu) nên du khách thường nghiên cứu và đối chiếu những gì hướng dẫn viên nói, do vậy khi trả lời các câu hỏi của du khách hướng dẫn viên cũng nhiều lần dở khóc, dở cười về các thông tin mà du khách biết được.
“Ngoại ngữ kém và vốn hiểu biết của hướng dẫn viên không sâu cũng gây mất uy tín cho du lịch Việt Nam”, Giám đốc Công ty du lịch Bến Thành tại Hà Nội, phàn nàn. Ông đưa ví dụ, hướng dẫn viên Việt rất ngại giới thiệu về tháp Chàm vì không hiểu gì về nền văn hóa Chăm. Trong khi đó, sách giới thiệu về di tích này rất nhiều nên du khách có nhận xét không tốt về trình độ của “guide” Việt.
Giữa ranh giới tốt xấu
Không chỉ giới thiệu các điểm du lịch, hướng dẫn viên còn là người đứng ra sắp xếp, giải quyết chuyện ăn ngủ, đi lại. Phó giám đốc một công ty du lịch, kể lại: đoàn khách Việt đi Trung Quốc đã sơ xuất bỏ rơi một người ở ga Bắc Kinh khi lên tàu đi Thượng Hải. Hướng dẫn viên phải nhờ đối tác tại Bắc Kinh tìm kiếm khách và đưa về khách sạn, mua vé để bố trí cho khách đi chuyến gần nhất cho kịp đoàn. Không chỉ tăng thêm chi phí chuyến đi, người khách này còn khiến lãnh đạo công ty du lịch lo lắng suốt mấy ngày.
Một hướng dẫn viên tự do phàn nàn, khổ nhất là những lần phải đưa khách đi massage, uống rượu, vũ trường, vào sòng bạc… Trong khi họ thư giãn thì hướng dẫn phải ngồi đợi chờ hàng giờ. “Tôi hay phải từ chối những ông khách này vì sợ biến thành dụ dỗ khách hàng. Ngại nhất là khi khách rủ đánh bài. Thua thì xót tiền, thắng thì bị mang tiếng là chăn dắt”, bạn hướng dẫn viên nói.
Tuy nhiên, không phải nhiều hướng dẫn viên phân biệt được ranh giới mong manh này. Thay vì tập trung đưa khách đi đến các danh thắng, người hướng dẫn chỉ nhăm nhe đưa khách vào các cửa hàng để được nhận hoa hồng. Họ thay đổi, cắt xén chương trình tham quan, đổi nhà hàng để giảm chi phí; có người còn gợi ý du khách đi chơi ngoài chương trình để được “bồi dưỡng”…
Thiếu hướng dẫn viên giỏi
Mua tour đi tour Chùa Hương, một khách du lịch ở quận Hoàn Kiếm, bức xúc kể, hướng dẫn viên đưa đến động Hương Tích và chỉ vào bức tượng Phật Tổ và nói gọn lỏn: “Đây là Phật”. Chị bất bình: “Nhìn vào đó, ai cũng biết là Phật, cần gì phải nghe giới thiệu. Trình độ của hướng dẫn viên chỉ nói được như vậy thì thật là kém”, khách du lịch nói.
Theo thực tế hiện nay khoảng 50% hướng dẫn viên là trung bình và kém. Ngoại ngữ và vốn hiểu biết không rộng là vấn đề bất cập nhất của hướng dẫn viên. Để giải quyết vấn đề này, các điểm du lịch phải có người hướng dẫn viên riêng để chuẩn hóa thông tin.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, đạo đức của nhiều hướng dẫn viên hiện nay rất kém, họ mang tư tưởng tư lợi cá nhân hơn là phục vụ du khách. “Hướng dẫn viên chỉ muốn chọn đoàn khách quý tộc để dẫn, né tránh khách bình dân. Họ ngại dẫn tour những ngày Lễ Tết gây khó cho doanh nghiệp”.
Lãnh đạo các đơn vị lữ hành đều cho rằng, vì quá thiếu hướng dẫn viên trong khi du khách đông nên phải chấp nhận thuê những người trình độ không cao, kinh nghiệm thiếu. Tuy nhiên, nếu để lâu sẽ làm hỏng hình ảnh của du lịch Việt Nam.
Với những lý do trên để thấy được vai trò của các cơ sở đào tạo đối với việc đào tạo những hướng dẫn viên vừa có trình độ vừa có kỹ năng – đội ngũ hướng dẫn viên là cầu nối quan trọng để thu hút các khách du lịch. Trường Cao đẳng Thương mại và Du lịch Hà Nội là cơ sở đào tạo có uy tín về đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên du lịch trong nhiều năm qua.
Người thực hiện: Hà Thùy Linh – Giảng viên khoa Khách sạn du lịch
Nguồn tin: hcct.edu.vn