Đỗ Văn Đức sinh viên lớp QTDL11A – Gương sáng sinh viên HCCT trong cuộc chiến chống đại dịch Covid – 19

Những ngày đầu tháng 5/2021, dịch bệnh tái bùng phát lần thứ 4 một cách dữ dội và ngày càng phức tạp trên phạm vi toàn quốc, trong đó Bắc Giang đang trở thành điểm nóng với số ca mắc Covid-19 không ngừng gia tăng trong cộng đồng. Trong hoàn cảnh gian khó ấy, truyền thống tương thân tương ái, tình người lại toả sáng hơn bao giờ hết để “không một ai bị bỏ lại phía sau vì dịch bệnh”.

      Thấu hiểu nỗi vất vả cùng sự hy sinh thầm lặng của những chiến sỹ áo trắng đang ngày đêm căng mình chống dịch bảo vệ sức khoẻ nhân dân, toàn dân đồng lòng chung tay chống dịch covid, không chỉ ủng hộ tiền mặt hay vật tư y tế, mà còn hướng về cộng đồng với mong muốn san sẻ yêu thương bằng những hành động thiết thực. Bên cạnh những hoạt động tài trợ nhu yếu phẩm cho dân trong vùng dịch, ủng hộ thiết bị vật dụng phòng dịch, giải cứu nông sản, … cuộc chiến chống Covid cần đến một lực lượng lớn các tình nguyện viên tại các bệnh viện, các khu vực phong tỏa, các chốt kiểm dịch…Trong bối cảnh đó, một lực lượng lớn các chàng trai cô gái là sinh viên còn đang ngồi trên ghế nhà trường không quản ngại hiểm nguy, gian khổ, xung phong xông pha ra nơi tuyến đầu, đem nhiệt huyết và sức trẻ hòa vào sức mạnh toàn dân, cống hiến cho cuộc chiến chống Covid. Trường Cao đẳng Thương mại và Du lịch Hà Nội cũng có một  chàng sinh viên đầy nhiệt huyết như thế.

Chàng sinh viên năng động

      Đỗ văn Đức hiện là sinh viên lớp QTDL11A – sinh viên năm thứ 2, khoa Khách sạn Du lịch sinh năm 2001 đến từ Bắc Giang. Em lựa chọn học chuyên ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành vì có đam mê đi du lịch, khát khao được in dấu chân mình trên mọi nẻo đường tổ quốc. Đam mê ấy thôi thúc nên từ những ngày đầu mới nhập học, trong khi các bạn bè cùng trang lứa vẫn đang bỡ ngỡ làm quen với cuộc sống tự lập của sinh viên mới rời xa vòng tay gia đình, thì Đỗ Văn Đức đã xông xáo xin đi phụ tour khách học sinh cho các công ty du lịch. Những ngày đầu đi phụ tour không có công tác phí nhưng cậu sinh viên ấy vẫn tươi rói và đầy năng lượng khoe rằng: “Những chuyến đi đầu tiên em học hỏi được rất nhiều từ các anh chị hướng dẫn viên đi trước, do đó công tác phí của những chuyến đi đầu tiên ấy, đối với em chính là những trải nghiệm, những bài học kinh nghiệm thực tế quý giá”.

      Nhiệt tình, chăm chỉ và khiêm tốn học hỏi nên Đỗ Văn Đức nhanh chóng được các công ty du lịch tín nhiệm, trao cho nhiều cơ hội dẫn đoàn và với khả năng hoạt ngôn, năng nổ Đức nhiều lần cầm micro tổ chức các chương trình hoạt náo cho các đoàn học sinh. Đó cũng là cơ duyên giúp Đức phát hiện ra khả năng quản trò của mình, ngay cuối năm học thứ nhất Đức đã là thành viên tích cực của Câu lạc bộ MC Tổ chức Sự kiện Teambuilding X-Team.

     Đam mê xê dịch là thế, tham gia vào hầu hết các hoạt động do Đoàn trường phát động, như: Các chương trình hiến máu, giải cứu nông sản cho bà con vùng dịch Hải Dương…, nhưng Đỗ Văn Đức vẫn cố gắng để đạt thành tích học tập tốt. Ngoài ra Đức còn được các bạn sinh viên và thầy cô trong trường biết đến là một trong những quản trị viên (Admin) của diễn đàn (trang fanpage) Sinh viên Cao đẳng Thương Mại và Du lịch Hà Nội với số lượng hơn 5.700 thành viên. Là Trưởng nhóm của nhóm Tourguie HCCT, đứng ra nhận việc từ các công ty du lịch, chịu trách nhiệm điều phối công việc phụ tour, tổ chức Teambuilding, tổ chức sinh hoạt tập thể vào các buổi chiều sau giờ học để chia sẻ, trao đổi những kiến thức và kỹ năng dẫn tour, tổ chức teambuilding thực tế mà Đức đã trả nghiệm cho các bạn sinh viên khác trong trường có cùng sở thích. Đức mong muốn sắp tới sẽ chính thức ra mắt Câu Lạc Bộ Hướng Dẫn Viên HCCT, Đức sẽ đầu tư thời gian và tâm huyết để xây dựng và tổ chức hoạt động ngoại khóa cho Câu lạc bộ ngày một lớn mạnh, mời các anh chị hướng dẫn viên có kinh nghiệm về chia sẻ giao lưu và mong mỏi lan tỏa nhiệt huyết của mình đến cho các bạn sinh viên toàn trường. Vì dịch bênh Covid bùng phát năm 2020 và 2021 nên những hoạt động này chưa thực hiện được nhưng Đỗ Văn Đức không nản chí, Đức chia sẻ rằng: “Khó khăn chính là cơ hội để em trau dồi thêm kiến thức, rèn luyện thêm ý chí và quyết tâm theo nghề Hướng dẫn viên trong tương lai. Lúc nào em cũng cảm thấy mình tràn đầy năng lượng, thấy có nhiều việc để làm nên 2 năm sinh viên của em đã trôi qua đầy ý nghĩa và nhiều kỉ niệm”

Quyết liệt dấn thân, giấu bố mẹ, nửa đêm từ Hà Nội về quê chống dịch

      Ngày 16/5, trong lúc đang hoàn thiện báo cáo thực tập, Đỗ Văn Đức (quê xã Thượng Lan, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) nhận được tin huyện nhà phong toả, địa phương cũng thông báo cần tuyển tình nguyện viên giúp đỡ lực lượng chức năng chống dịch. Lòng như lửa đốt, Đức nhanh chóng hoàn thiện báo cáo thực tập để về quê tham gia công tác tình nguyện. Tối 17/5, sau khi vừa hoàn thành báo cáo, Đức bàn với người anh cùng phòng là Lê Xuân Đạt về luôn trong đêm. Không phút suy nghĩ, 2 anh em lập tức xách ba lô lên đường “Sợ bố mẹ cản, nên em không báo về mà cứ thế xuất phát. Hai anh em đến quê đã gần 0h. Kiểm tra điện thoại, thấy 5 – 6 cuộc gọi nhỡ của mẹ, lúc này, em mới báo mẹ là con về quê tham gia tình nguyện. Chuyện đã lỡ, mẹ biết em đã quyết tâm nên không ngăn cản mà chỉ dặn dò hãy cẩn thận”, Đức kể. Công việc gấp gáp, nhà cũng đang cách ly nên Đức không ghé qua nhà thăm bố mẹ được. Rất nhanh, 7h sáng hôm sau, Đức cùng anh Đạt và các tình nguyện viên khác đã có mặt tại Bệnh viện Đa Khoa Việt Yên. “Không chỉ riêng em, các tình nguyện viên lúc ấy đều mang trong mình một tâm thế ‘Con chào ba mẹ, con đi. Tổ quốc, quê hương đang gọi con rồi, bao giờ hết dịch, qua thời gian cách ly con lại về'”, cậu tình nguyện viên bộc bạch, “Khi vừa đến, tận mắt nhìn thấy cảnh ở khu cách ly, em mới cảm nhận được người dân lo lắng như thế nào. Nhưng rồi, phút lo lắng cũng nhanh chóng qua đi, khi thấy đám trẻ vẫn vui cười làm tan biến những âu lo trong lòng. Mọi người lại nhận ra, khu cách ly không hề đáng sợ như thế”.

      Sáng hôm đó, Đức cùng các tình nguyện viên được phân công giúp các bác sĩ trực tiếp lấy mẫu của các bệnh nhân. Buổi chiều, đến Trung tâm Kiểm soát bệnh tật huyện để ghép mẫu, khớp mẫu. Buổi tình nguyện đầu tiên kết thúc lúc gần 1h sáng. Sáng 19/5, khi vừa tỉnh giấc các bác sĩ lại thông báo cần 2 tình nguyện viên xuống khu cách ly tập trung tại xã Tiên Sơn (huyện Việt Yên) để tăng cường. Không phút do dự, Đức và anh Đạt lại xung phong lên đường.

      Tại đây, chỉ có 2 người là tình nguyện viên cùng với khoảng 15 y, bác sĩ, quân đội, dân quân phục vụ khoảng hơn 300 trường hợp cách ly. Tại đây, cậu lại được phân công tiếp đón, ghi chép, phân phòng cho các bệnh nhân. “Buổi sáng hàng ngày, chúng em phát đồ ăn, hỗ trợ bác sĩ thăm khám bệnh nhân, tổng vệ sinh, phun khử khuẩn toàn bộ khu cách ly”, Đức kể về công việc hiện tại.

Tự hào màu áo trắng

       Là sinh viên Đức đã khoác lên mình chiếc áo xanh tình nguyện nay vẫn là công việc tình nguyện nhưng khoác lên mình là chiếc áo trắng, sát cánh cùng các bác sĩ, quân nhân nơi tâm dịch Bắc Giang thì trách nhiệm với cộng đồng càng được đặt lên cao hơn rất nhiều.

      Qua những ngày thức khuya dậy sớm, Đức vẫn luôn thấy được sự lạc quan trên khuôn mặt của những người hùng áo trắng qua những tiếng cười, những hành động quan tâm động viên đến các thành viên trong khu cách ly. Em cũng cảm nhận rõ tấm lòng của người dân Bắc Giang, những người dân cả nước hướng về Bắc Giang. “Những người chồng lái xe chở y, bác sĩ, vợ ở nhà làm hậu phương vững chắc. Hàng ngày, hàng trăm chai nước ép được gửi đến để tiếp sức cho những người hùng tuyến đầu chống dịch. Những mạnh thường quân lập lên những khu cung cấp lương thực miễn phí… khiến em rất xúc động và muốn gắng thêm nữa. Tất cả cùng góp sức đẩy lùi dịch bệnh”, Đức dứt lời và xin phép ngắt điện thoại vì đến giờ đi phun khử khuẩn.

Mảnh ghép hoàn hảo trong bức tranh phòng chống đại dịch Covid-19

      Trong cuộc chiến phòng, chống dịch bệnh Covid -19, mỗi tổ chức, mỗi cá nhân đều có sự sẻ chia, ủng hộ bằng nhiều hình thức khác nhau, nhưng đều có một điểm chung chính là tình người hướng về cộng đồng, thể hiện tinh thần dân tộc, bản lĩnh, khí chất của người Việt Nam luôn đoàn kết, chung sức đồng lòng vượt qua gian khó. Yêu thương sinh ra sức mạnh và yêu thương truyền đi sức mạnh để rồi trong sâu thẳm mỗi con người Việt Nam không ngừng bùng cháy lên niềm tin mãnh liệt “dịch bệnh rồi sẽ qua đi nhưng tình người vẫn còn sáng mãi”.

      Cuộc chiến chống dịch Covid-19 còn rất dài, dù chặng đường phía trước còn nhiều vất vả, gian nan nhưng đội ngũ nhân viên y tế Bệnh viện không hề cảm thấy đơn độc trên mặt trận chống dịch vì luôn nhận được sự chung tay, góp sức của cộng đồng. Đó cũng là nguồn động viên, khích lệ tinh thần lớn lao giúp đội ngũ y bác sỹ thêm vững tin hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Sự đồng lòng ấy đã củng cố thêm sức mạnh chống dịch của toàn Đảng, toàn dân, chính họ đã vẽ nên một bức tranh tuyệt đẹp về tinh thần đoàn kết, về sự sẵn sàng cống hiến, hy sinh khi Tổ quốc cần. Trong bức tranh đó, Đỗ Văn Đức – chàng sinh viên năm 2 của Trường Cao đẳng Thương mại và Du lịch Hà Nội chính là 1 mảnh ghép hoàn hảo. Đức xứng đáng là tấm gương sáng, rất đáng được hoan nghênh, cần được khuyến khích và lan toả trong môi trường HCCT nói riêng, trong cộng đồng tuổi trẻ Việt Nam nói chung.

  Người thực hiện: Lê Thị Thu Hiền – Giảng viên Khoa Khách sạn du lịch

Nguồn tin: hcct.edu.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

TIN MỚI CẬP NHẬT

TIN TUYỂN SINH