Giáo dục nghề nghiệp phải đặt đào tạo và đào tạo lại làm nền tảng

     Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị, đến một lúc nào đó, giáo dục nghề nghiệp phải đặt mục tiêu mỗi năm đào tạo lại 20 triệu người lao động và lấy đào tạo lại làm nền tảng.

Sáng 18/1, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ giáo dục nghề nghiệp 2022 (Ảnh: Chí Tâm).

Giáo dục nghề nghiệp đã đạt kết quả rất đáng khích lệ

     Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, Đảng và Nhà nước ta đã xác định 3 trụ cột căn bản trong phòng chống dịch Covid-19 là y tế, an sinh và phát triển kinh tế. Cho đến giờ này, có thể khẳng định an sinh – xã hội của chúng ta tương đối tốt.

     Trong bối cảnh đó, giáo dục nghề nghiệp là một trong những nội dung quan trọng của toàn ngành – đã có nhiều sự đổi mới, cố gắng nỗ lực và đạt được kết quả rất đáng khích lệ.

     “Một trong những điểm đáng mừng là sau 4 năm, chúng ta có sự “thay da đổi thịt”. Tập thể lãnh đạo Tổng cục đã đổi mới, sáng tạo, năng động, đeo bám công việc và luôn lắng nghe. Đội ngũ cán bộ Tổng cục được đào tạo căn bản và từng bước được nâng cao, rất nhiều cán bộ trẻ”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung biểu dương.

     Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tác động nặng nề, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp vẫn có sự chuyển hướng, đào tạo đổi mới về phương thức, chuyển đổi sang đào tạo trực tuyến, đào tạo từ xa, giảm tải đào tạo lý thuyết, tăng cường đào tạo thực hành. Một trong những thành công năm 2021 là kết nối doanh nghiệp tương đối tốt. Có những trường nghề ký kết cùng hơn 70-80 doanh nghiệp, đó là một tín hiệu vui mừng.

     Các lĩnh vực nhà giáo, giáo dục chính quy, học sinh, sinh viên và nghiên cứu khoa học, kiểm định, quản lý cơ sở vật chất, quản lý tài sản ODA… đã triển khai toàn diện, năm nay không thấy gợn lên vấn đề lớn. Chuyển đổi số và hợp tác quốc tế có nhiều tiến bộ. Bước đầu phát triển hệ thống dịch vụ công, đổi mới phương thức điều hành của Bộ LĐ-TB&XH.

     Tuy nhiên, Bộ trưởng lưu ý, vị thế của giáo dục nghề nghiệp của giáo dục nghề nghiệp trong xã hội vẫn chưa cao. Mặc dù nếu đánh giá và đo chỉ số thì xã hội có thể cho chúng ta tăng lên 30 bậc, nhưng so với yêu cầu của xã hội thì rõ ràng, chất lượng đào tạo vẫn còn thấp. Hiện giờ, những tập đoàn lớn cần nguồn nhân lực thì chưa đáp ứng đủ. Phân luồng, chất lượng đào tạo, quy hoạch mạng lưới vẫn còn ngổn ngang. Chuyển đổi số bước đầu có hiệu quả nhưng vẫn còn lạc hậu.

     Kết nối doanh nghiệp có tiến bộ nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động, của xã hội. Thử thẳng thắn đặt ra câu hỏi: “Giáo dục nghề nghiệp đã đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động, của xã hội hay chưa?”. Câu trả lời là chưa. Giáo dục nghề nghiệp đã gắn kết với thị trường lao động chưa? Đã gắn kết với yêu cầu đào tạo nhân lực chất lượng cao hay chưa? Thực chất, vẫn còn một bước rất xa. Phương thức đào tạo của các trường mới chỉ dừng lại đổi mới ở các trường có kỹ năng, các trường chất lượng cao thôi. Nhìn chung, ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp vẫn chưa cao.

Chớp lấy thời cơ để đáp ứng yêu đào tạo nguồn nhân lực

     Bộ trưởng lưu ý: “Chúng ta đang chuyển từ đỉnh cao dân số vàng sang dốc bên kia, gọi là giai đoạn 2 – dân số già. Nếu không biết chớp thời cơ này thì Việt Nam sẽ mất đi cơ hội, lợi thế sẽ không còn nhiều. Nhưng đây là thời cơ, lợi thế rất lớn với giáo dục nghề nghiệp. Nếu biết nắm bắt thời cơ này thì sẽ đáp ứng yêu cầu của xã hội, đáp ứng được yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực”.

     Thời gian qua, Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã quan tâm và có nhiều quyết sách thúc đẩy giáo dục nghề nghiệp phát triển. Thủ tướng Chính phủ đã quyết định đầu tư 2.000 tỷ đồng sẽ đầu tư xây dựng 3 Trung tâm Quốc gia đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao tại 3 miền Bắc (Hà Nội), miền Trung (Quảng Ngãi), miền Nam (Thành phố Hồ Chí Minh).

     Nếu không quan tâm đến giáo dục nghề nghiệp, chúng ta sẽ thụt lùi. Bởi bằng cấp chúng ta chỉ đang dừng ở 24,5% đây chỉ là tính ở mức số lượng chứ chưa nói đến chất lượng.

     Vì vậy, Bộ trưởng yêu cầu cấp thiết Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cần đặt ra mục tiêu.

     “Năm 2022 là năm cực kỳ quan trọng. Đây là năm đầu của giai đoạn mới. Nếu chúng ta làm tốt trong năm 2021-2022 thì trong cả giai đoạn từ 2022-2026 sẽ có một nền móng phát triển và mục tiêu đến năm 2030. Do đó, tôi đề nghị Tổng cục phải đặt mục tiêu năm nay là phát triển thật nhanh giáo dục nghề nghiệp, nhằm giải quyết góp phần chuyển đổi cơ cấu chất lượng lao động, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi của toàn ngành về xây dựng một thị trường lao động đồng bộ, lành mạnh và hiện đại”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Tập trung vào đào tạo mới, đào tạo lại 

     Từ những mục tiêu cấp thiết đó, Bộ trưởng đề nghị Tổng cục GDNN hoàn thiện về thể chế, nâng cao năng lực đội ngũ, mạng lưới bộ máy.

     Bộ trưởng nhấn mạnh: “Chúng ta phải đầu tư rất cao và hoàn thiện toàn bộ nội dung về thể chế. Tất cả những vấn đề đặt ra của thể chế là quy hoạch, chiến lược, chương trình chuyển đổi số, quy hoạch toàn bộ hệ thống, sắp xếp lại tổ chức bộ máy một cách đồng bộ nhất. Và phải đầu tư thực sự cho thể chế, đầu tư ở đây là đầu về con người, cơ sở vật chất và chính sách.

     Tất cả các Cục, Vụ phải bắt đầu từ thể chế, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm khi thực hiện. Văn bản thể chế phải dễ hiểu, dễ nhớ và dễ thực hiện, nên gần gũi chứ không cần hàn lâm quá, nhất là ở lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp”.

     Bộ trưởng chỉ đạo nâng cao năng lực đội ngũ, năng lực của toàn đội ngũ lãnh đạo, trong đó đáng quan tâm nhất là nâng tầm chất lượng đội ngũ cán bộ giáo dục nghề nghiệp. Chúng ta chỉ có thể chuyển đổi khi có một đội ngũ cán bộ giáo dục nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu.

     Mạng lưới bộ máy cũng cần có sự sắp xếp hợp lý. Mô hình của Tổng cục GDNN và đơn vị chức năng bên trong cũng cần chuyển đổi theo hướng thống nhất một đầu mối về quản lý giáo dục. Tới đây sẽ hình thành 3 trung tâm vùng, 80 trường chất lượng cao thì quản lý ra sao để đảm bảo hiệu quả và chất lượng.

     Đồng thời, giáo dục nghề nghiệp cần tập trung đổi mới phương thức đào tạo, phải đặt mục tiêu vào hai đối tượng là đào tạo mới và đào tạo lại.

    “Phải suy nghĩ đến một lúc nào đó, giáo dục nghề nghiệp phải đặt mục tiêu một năm đào tạo lại 20 triệu người và lấy đào tạo lại làm nền tảng. Hiện, hàng chục triệu lao động nhưng đào tạo lại chiếm số ít”, Bộ trưởng nói.

     Bộ trưởng cho rằng, doanh nghiệp cũng là một vấn đề rất đáng quan tâm. Chúng ta tiến tới doanh nghiệp phải là một nhà trường đúng nghĩa, lấy doanh nghiệp dẫn dắt đào tạo lại. Nhà trường là nơi cung cấp lý thuyết. Tiến tới, nhà trường cũng phải trả phí cho doanh nghiệp đào tạo.

     Đặc biệt, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị ngành giáo dục nghề nghiệp tập trung chuyển đổi số: “Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp phải đi nhanh hơn, đi mạnh hơn và đi trước một bước. Giáo dục nghề nghiệp sẽ làm bước đầu, nền móng cho tấn công chuyển đổi số trong năm nay. Năm 2022, Bộ sẽ làm 5 chuyển đổi số (Dự báo cung – cầu; Cơ sở dữ liệu; Bảo hiểm thất nghiệp; Giáo dục nghề nghiệp; Cơ sở dữ liệu về quản lý thị trường lao động.

     Bộ LĐ-TB&XH sẽ hình thành một ban quản lý điều hành toàn bộ về chuyển đổi số, còn tất cả các đơn vị sẽ thực hiện trên cơ sở thống nhất toàn quốc tránh tình trạng “mạnh ông nào ông ấy làm”, không có kết nối với nhau”.

     Và cuối cùng, Bộ trưởng chỉ đạo ngành tăng cường quản lý cơ sở vật chất, tài sản tài chính, tăng cường thanh tra, kiểm tra và kiểm toán; tiến hành thanh tra quản lý nhà nước về lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp trong năm 2022 với tinh thần thanh kiểm tra nhằm phòng ngừa, ngăn chặn trước, không chờ đến khi xảy ra sự việc sai phạm mới xử lý.

Nguồn tin – Báo điện tử Dân trí

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

TIN MỚI CẬP NHẬT

TIN TUYỂN SINH