Theo quy định mới áp dụng từ ngày 20/5/2022, có hai hình thức liên kết tổ chức chương trình đào tạo trong giáo dục nghề nghiệp. Đó là liên kết phối hợp đào tạo và liên kết đặt lớp đào tạo.
Ngày 5/4/2022, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư số 05/2022/TT-BLĐTBXH quy định về liên kết tổ chức thực hiện chương trình đào tạo trong giáo dục nghề nghiệp.
Đối tượng áp dụng:
– Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp-giáo dục thường xuyên, doanh nghiệp và các tổ chức, cá nhân có nhu cầu liên kết đào tạo.
– Không áp dụng với đối tượng liên kết đào tạo nước ngoài.
Văn bản quy định về liên kết tổ chức thực hiện chương trình đào tạo (sau đây gọi là liên kết đào tạo). Trong đó, nêu rõ về đối tượng, hình thức, tổ chức thực hiện, quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia.
Liên kết đào tạo được tổ chức theo hai hình thức dưới đây:
Thứ nhất: Liên kết phối hợp đào tạo. Theo đó, đơn vị phối hợp liên kết đào tạo trực tiếp tham gia giảng dạy, phối hợp quản lý quá trình đào tạo và bảo đảm điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị để thực hiện liên kết đào tạo, hoặc chỉ tham gia vào hoạt động giảng dạy trong chương trình liên kết đào tạo.
Thứ hai: Là liên kết đặt lớp đào tạo. Cụ thể, đơn vị phối hợp liên kết đào tạo không tham gia giảng dạy, chỉ phối hợp quản lý và bảo đảm điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị để thực hiện liên kết đào tạo.
Về công tác tổ chức đào tạo:
Đơn vị chủ trì liên kết đào tạo chủ trì, phối hợp đơn vị liên kết đào tạo chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị, đội ngũ nhà giáo theo quy định trong chương trình đào tạo và chuẩn cơ sở vật chất, thiết bị tối thiểu để tổ chức đào tạo theo các hình thức liên kết bảo đảm chất lượng đào tạo.
Đơn vị phối hợp liên kết đào tạo sẽ tham gia giảng dạy chương trình đào tạo tùy thuộc vào điều kiện và hình thức liên kết đào tạo. Kế hoạch, thời gian, khối lượng nội dung giảng dạy do hai bên thống nhất và được thể hiện trong hợp đồng liên kết đào tạo theo quy định tại Thông tư này.
Chỉ tiêu tuyển sinh nằm trong tổng chỉ tiêu được cấp theo đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp của đơn vị chủ trì liên kết.
Việc quản lý người học trong quá trình đào tạo được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 17/2017/TT-BLĐTBXH ngày 30/6/2017 của Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội ban hành quy chế công tác học sinh, sinh viên trong trường trung cấp, trường cao đẳng.
Việc liên kết theo hình thức đào tạo vừa làm vừa học được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 31/2017/TT-BLĐTBXH ngày 28/12/2017 của Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội quy định về đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp theo hình thức đào tạo vừa làm vừa học.
Các bên tham gia liên kết đào tạo thống nhất mức thu lệ phí tuyển sinh, học phí theo quy định. Trường hợp cơ sở giáo dục nghề nghiệp liên kết đào tạo với doanh nghiệp, hoặc doanh nghiệp liên kết với cơ sở giáo dục nghề nghiệp, thì hai bên thỏa thuận mức lương, tiền công cho người học, nhà giáo trực tiếp hoặc tham gia hoạt động làm ra sản phẩm trong thời gian đào tạo, thực hành, thực tập tại doanh nghiệp.
Thông tư có hiệu lực kể từ ngày 20/5/2022. Thông tư số 29/2017/TT-BLĐTBXH ngày 15/12/2017 của Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội quy định về liên kết tổ chức thực hiện chương trình đào tạo hết hiệu lực kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành.
Các khóa học theo hình thức liên kết đào tạo được thực hiện trước khi văn bản này có hiệu lực thi hành thì áp dụng theo quy định tại Thông tư số 29/2017 đã nêu ở trên.
Thời gian qua, theo thống kê của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp công tác rà soát, sắp xếp các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập thuộc bộ, ngành, địa phương đang tiếp tục triển khai.
Ước tính năm 2022, có khoảng 1.877 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó 409 trường cao đẳng; 438 trường trung cấp; 1.030 trung tâm giáo dục nghề nghiệp.
Tổng số cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập là 1.184 cơ sở, giảm 4% so với năm 2021.
Thông tư số 05/2022/TT-BLĐTBXH ban hành là hành lang pháp lý gắn kết nhà trường và doanh nghiệp trong quá trình thúc đẩy hoạt động đào tạo nguồn nhân lực đảm bảo đủ tiêu chuẩn đáp ứng phục hồi nền kinh tế sau đại dịch COVID – 19 và bắt kịp với xu thế phát triển nguồn nhân lực mang tính quốc tế hóa trong giai đoạn hiện nay.
Người thực hiện: Trần Thị Lan – Trung tâm LKĐT&XTVL
Nguồn tin: hcct.edu.vn