Việt Nam – Điểm đến mới của ngành công nghiệp Halal toàn cầu

Việt Nam đang từng bước tham gia chuỗi giá trị Halal toàn cầu. Với vai trò tiên phong, Trường Cao đẳng Thương mại và Du lịch Hà Nội tổ chức Hội thảo quốc tế Halal 2025 nhằm kết nối đào tạo, xúc tiến du lịch và thúc đẩy hợp tác liên ngành.

Halal Thị trường 3.000 tỷ USD và cơ hội vàng cho Việt Nam

Trong bối cảnh thế giới đang chứng kiến sự trỗi dậy mạnh mẽ của ngành công nghiệp Halal với quy mô thị trường ước tính lên tới 3.000 tỷ USD, Việt Nam đang dần nổi lên như một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Đây không chỉ là cơ hội kinh tế, mà còn là một chiến lược hội nhập sâu rộng về văn hóa, giáo dục và du lịch giữa Việt Nam và cộng đồng hơn 1,9 tỷ người Hồi giáo trên toàn thế giới.

Du lịch Halal hiện nay ở Việt Nam đang dần được phát triển mạnh mẽ.

Tại Việt Nam, du lịch Halal đang dần khẳng định vị thế trên bản đồ khu vực. Khái niệm Halal không còn giới hạn trong khuôn khổ tôn giáo, mà đã trở thành một chuẩn mực quốc tế về chất lượng, an toàn và đạo đức trong sản xuất – dịch vụ. Từ thực phẩm, mỹ phẩm, thời trang đến dịch vụ lưu trú và lữ hành, các sản phẩm, dịch vụ đạt chuẩn Halal ngày càng đóng vai trò quan trọng trong hành vi tiêu dùng toàn cầu.

Hà Nội – Tiềm năng trở thành trung tâm du lịch Halal của Việt Nam

Tại Hội nghị “Phát huy nội lực, tăng cường hợp tác quốc tế để đẩy mạnh phát triển ngành Halal Việt Nam” ngày 22/10/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã khẳng định rõ định hướng phát triển du lịch Halal là một nhiệm vụ trọng tâm, đặc biệt với Hà Nội – trung tâm chính trị, văn hóa và du lịch của cả nước.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị “Phát huy nội lực, tăng cương hợp tác quốc tế để đẩy mạnh phát triển ngành Halal Việt Nam” diễn ra vào ngày 22.10.2024 đã cho thấy phát triển Du lịch Halal tại Việt Nam nói chung và tại Hà Nội đang là việc cần đẩy mạnh và phát triển hơn nữa.

Hà Nội sở hữu nhiều điều kiện thuận lợi để trở thành điểm đến Halal hấp dẫn: hệ sinh thái ẩm thực phong phú, đa dạng, dễ dàng Halal hóa; sự hiện diện của Thánh đường Hồi giáo Al-Noor cùng cộng đồng người Hồi giáo sinh sống ổn định; và quan trọng hơn, là sự hiện diện của mạng lưới đại sứ quán các quốc gia Hồi giáo như Azerbaijan, Pakistan, Iran, Palestine, Thổ Nhĩ Kỳ… luôn sẵn sàng đồng hành trong các hoạt động xúc tiến thương mại và du lịch Halal.

HCCT – Cầu nối gắn kết giữa giáo dục và ngành công nghiệp Halal

Nắm bắt xu thế toàn cầu, Trường Cao đẳng Thương mại và Du lịch Hà Nội (HCCT) với định hướng đào tạo gắn kết thực tiễn, đã và đang khẳng định vai trò tiên phong trong chiến lược phát triển Halal tại cấp địa phương. HCCT không chỉ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành dịch vụ, du lịch mà còn chủ động tham gia kiến tạo hệ sinh thái Halal bằng việc kết nối với các tổ chức uy tín trong nước và quốc tế.

HCCT sẽ là cầu nối gắn kết giữa du lịch Việt Nam và các nước hồi giáo qua Hội thảo Halal diễn ra vào ngày 15/4/2025 tại trường.

Ngày 15/4/2025, HCCT sẽ phối hợp cùng Viện Nghiên cứu Nam Á, Tây Á và Châu Phi (ISAWAAS), Trung tâm Chứng nhận Halal Việt Nam và nhiều đối tác khác tổ chức Hội thảo quốc tế “Triển vọng phát triển du lịch gắn với Halal trên địa bàn thành phố Hà Nội” – một sự kiện được kỳ vọng sẽ tạo ra diễn đàn đối thoại sâu sắc và thực tiễn giữa nhà trường, doanh nghiệp, các nhà hoạch định chính sách và đối tác quốc tế.

Hội thảo Halal 2025 có sự tham dự của các Đại sứ quán các nước Hồi giáo như Azerbaijan, Pakistan, Iran, Palestine, Thổ Nhĩ Kỳ, những đối tác có vai trò quan trọng trong thúc đẩy hợp tác đào tạo, xúc tiến thương mại – du lịch. Bên cạnh đó, còn có sự hiện diện của các tổ chức chuyên ngành Halal, doanh nghiệp và các học giả trong và ngoài nước.

Đặc biệt, Đại sứ quán Azerbaijan, đối tác truyền thống đã nhiều năm đồng hành cùng HCCT, sẽ tiếp tục đóng vai trò kết nối giữa giáo dục, thương mại và  du lịch Halal. Mối quan hệ ngoại giao gắn bó này là minh chứng rõ nét cho chiến lược phát triển liên ngành mà HCCT đang theo đuổi.

Hội thảo không chỉ là một hoạt động khoa học mà còn thể hiện rõ triết lý giáo dục thực tiễn của HCCT: đào tạo không chỉ gắn với chuyên môn mà còn gắn với xu thế toàn cầu, từ đó hình thành thế hệ sinh viên sẵn sàng hội nhập, hiểu biết về các tiêu chuẩn quốc tế, đặc biệt là Halal – một trong những tiêu chuẩn đang ngày càng phổ biến trên thị trường lao động quốc tế.

Một trong những điểm nhấn đặc biệt tại Hội thảo Halal 2025 chính là không gian trải nghiệm ẩm thực Halal, nơi khách mời, doanh nghiệp và sinh viên được tiếp cận trực tiếp với phong cách ẩm thực đạt chuẩn Halal. Đây không chỉ là trải nghiệm văn hóa mà còn là cơ hội để hiểu sâu hơn về hành vi tiêu dùng, thị trường dịch vụ và tiềm năng phát triển sản phẩm Halal tại Việt Nam.

HCCT – Đào tạo thực tiễn và toàn cầu hóa qua tiêu chuẩn Halal

Hội thảo là bước đi cụ thể hóa triết lý đào tạo của HCCT: gắn kết giữa lý thuyết và thực tiễn, giữa nhà trường, doanh nghiệp và cơ quan quản lý. Thông qua đó, nhà trường mong muốn đào tạo ra thế hệ lao động không chỉ giỏi chuyên môn mà còn am hiểu tiêu chuẩn toàn cầu trong đó Halal – một lĩnh vực có tiềm năng tăng trưởng mạnh trong thời gian tới.

Không dừng lại ở đó, sự kiện cũng là dịp để quảng bá văn hóa ẩm thực Halal, thúc đẩy nhận thức cộng đồng về tiêu chuẩn này, đồng thời khuyến khích doanh nghiệp, cơ sở dịch vụ trong nước chủ động tìm hiểu, đầu tư và sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của khách hàng quốc tế.

Việt Nam đang chuyển mình và HCCT đang chủ động đi trước một bước. Hội thảo Halal 2025 không chỉ là một diễn đàn khoa học, mà còn là cơ hội để khẳng định tầm nhìn, nâng cao năng lực hội nhập và mở rộng cánh cửa kết nối với cộng đồng Halal toàn cầu.

Ban Truyền thông.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

TIN MỚI CẬP NHẬT

TIN TUYỂN SINH