Người nữ lãnh đạo tràn đầy năng lượng

Khoa Ngoại ngữ chúng tôi có tới gần hai chục giáo viên nữ. Hai mươi hai năm về trường giảng dạy, tôi chứng kiến vọn vẻn hai bác “mày râu” lần lượt về khoa công tác, rồi cũng… lần lượt ra đi sau một thời gian dũng cảm trụ lại “thế giới đàn bà”. Người lãnh đạo khoa, vì vậy cũng đâm thành nhân vật “dũng cảm” không kém khi đã nhiều năm quản lý và dẫn dắt chuyên môn cho một tập thể toàn là phụ nữ.

Tôi gặp chị Nguyễn Thị Hồng Hạnh lần đầu tiên khi tôi mới về trường công tác. Lúc đó chị cũng chỉ mới ngoài hai mươi, khuôn mặt trẻ măng và tươi tắn, luôn tràn đầy năng lượng. Cho đến giờ chị vẫn luôn tươi tắn như thế dù công việc nặng nhọc chừng nào hoặc cuộc sống riêng tư có nhiều tất bật. Sau này, nhiều năm làm quản lý trên cương vị phó trưởng khoa, đã trở thành người vợ, người mẹ và dù thời gian đã qua đi mấy mươi năm, chị vẫn giữ nguyên nguồn năng lượng tích cực dồi dào ấy. Công việc chuyên môn của một giảng viên đã lắm vất vả, rồi việc gia đình, việc xã hội, chị lại nhận thêm trách nhiệm quản lý. Hàng ngày, vừa đi dạy, vừa lo cho hai đứa con, vừa coi sóc nhà cửa như bất cứ người phụ nữ của gia đình nào khác, chị vẫn đảm bảo thông suốt mọi việc ở khoa về mặt chuyên môn và hành chính với nụ cười nhẹ nhõm mà người thoạt trông sẽ chắc hẳn chị là người nhàn nhã.

Quản lý một tập thể giáo viên toàn nữ là chuyện hoàn toàn không đơn giản, nhất là trước những cá tính mạnh như khoa Ngoại ngữ. Dân gian vẫn nói đùa “Ba người đàn bà và một con vịt là thành cái chợ”. Chúng tôi có tận gần hai mươi người. Vui thì có vui thật mà phức tạp cũng không ít. Quản lý tập thể ấy, làm thế nào để vừa giữ được cái tình, vừa đảm bảo được cái lý trong hàng loạt nguyên tắc, nội quy, trách nhiệm, kỷ luật, thực chẳng hề đơn giản. Nhiều lần sau những cuộc họp hoặc giờ giảng của cả ngày dài, khi tất cả hành lang đã vắng hết tiếng người và bóng chạng vạng đang buông dần xuống sân trường thì tôi vẫn còn thấy chị ngồi yên lặng trong văn phòng. Chẳng còn nụ cười sáng bừng mà chỉ tiếng thở dài là cố nén lại. Những khúc mắc trong công việc, trong sinh hoạt, không dễ gì giải quyết cả tình lẫn lý vẹn toàn, nhưng chị vẫn cố gắng đảm bảo cả hai điều ấy, để rồi đêm về trăn trở. Nhiều năm làm quản lý, chị dẫn dắt “thế giới đàn bà” ấy càng thêm gắn kết, dễ chịu như một mái ấm gia đình, bớt dần những bằng mặt chẳng bằng lòng.

Đã hơn 20 năm giảng dạy, một trong những điều níu giữ tôi nhất ở ngôi trường thân quen này là tình đồng nghiệp. Thời gian ở chỗ làm của tất cả chúng ta luôn nhiều hơn ở nhà, và quan hệ đồng nghiệp là vô cùng quan trọng. Hơn ai hết hiểu được điều ấy, chị đã nỗ lực để văn phòng khoa bé nhỏ giống như một ngôi nhà, cả về sự sạch sẽ, trật tự lẫn ấm cúng. Cách ứng xử của chị luôn khiến tôi cảm thấy như một người chị gái, nghiêm khắc nhưng ấm áp và vỗ về, mà tôi hiểu rằng, không dễ gì đến bất kỳ tập thể nào khác, tôi còn gặp được không khí làm việc ấy nữa, đặc biệt là gặp một người quản lý tuyệt vời như chị. Chị nắm rõ chuyên môn cũng như sở trường, sở đoản của từng người để phân công, bổ nhiệm công việc cho phù hợp, cũng như hiểu thấu đáo gia cảnh của từng chị em trong khoa, để có những điều tế nhị thì cảm thông và chia sẻ đúng nơi đúng chỗ.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Hồng Hạnh
(Thạc sĩ Nguyễn Thị Hồng Hạnh – Phó Trưởng khoa Ngoại Ngữ)

Sinh năm 1976, hai mươi tư năm trong công tác giảng dạy, lại đứng vị trí lãnh đạo đã lâu, mà nhiều phần tôi ngạc nhiên vì lòng yêu nghề và nhiệt huyết đối với học trò vẫn chưa hề giảm đi trong chị. Phàm lĩnh vực gì cũng vậy, làm nghề đến chừng nào đó là lòng nhiệt thành và sự tinh anh cũng mỗi ngày mai một. Người ta nhác dần đi, nản dần đi và mệt mỏi cũng dần, lâu ngày chỉ lấy sự an toàn và tính lợi ích làm đầu. Nhưng tôi vẫn thấy lòng nhiệt thành trong chị khi chị luôn phấn khởi tìm ra các tài liệu, giáo trình và phương pháp mới mà nghĩ rằng có ích cho giảng dạy, thuận lợi cho cả thầy lẫn trò hoặc tổ chức các sự kiện ngoại khóa dù vất vả cho người tổ chức nhưng mang lại lợi ích cho sinh viên. Rất nhiều học sinh cấp ba đã đỗ đại học với thành tích cao nhờ sự dìu dắt và chuyên môn cũng như nghiệp vụ sư phạm của chị. Mỗi kỳ tuyển sinh qua là chị ríu rít bao điện thoại cảm ơn của các phụ huynh, mà những đứa con của họ ngày hôm qua trình độ tiếng Anh mới chỉ trung bình khá, hôm nay đã có điểm IELTS vượt trội.

Chị luôn không ngừng tìm tòi ra những sáng kiến mới cũng như hoan nghênh mọi ý tưởng mới của đồng nghiệp thay vì gạt đi, bỏ qua cho thêm phần nhàn thân. Rất nhiều lần tôi thấy các e-mail công việc chị gửi đi lúc đã quá nửa đêm. Chị ham công tiếc việc, có nhẽ đó là điểm yếu mà nhiều đồng nghiệp phàn nàn khi khuyên chị nên nghỉ ngơi. Nhưng tôi hiểu điều đó thực khó với một người phụ nữ luôn tràn đầy năng lượng, ước mơ, hoài bão và tâm huyết.

Thành tích của chị thì đã quá nhiều, nhưng trong bài viết này, tôi chẳng muốn liệt kê những điều đương nhiên và khô khan ấy, những điều mà ai cũng biết nếu chỉ cần truy cập vào trang web nhà trường hay hồ sơ cá nhân lưu phòng hành chính. Tôi chỉ muốn nhắc đến những góc thầm lặng mà không phải người ngoài cuộc nào cũng biết. Năm nay chị cũng đã không còn trẻ, cuộc sống cũng không ít vất vả và suy tư, cả chuyện công lẫn chuyện tư, nhưng nhìn chị luôn trẻ hơn tuổi, có lẽ ở sự tươi tắn và thần thái. Thể chăng khi đã đến quãng trung niên, tất cả tâm hồn và tính cách bên trong đã định hình bên ngoài khuôn mặt, và toát ra từ tất cả những yêu thương chị đã dành cho gia đình, cho những đứa con, cho học trò, đồng nghiệp và cả cái duyên nghề nghiệp của mình.

  Tác giả bài viết: Nguyễn Diệu Linh

Bài viết cùng chủ đề:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Tìm địa điểm Trường
Gọi trực tiếp
Chat Facebook
Chat Zalo