Trong chương trình học của bất kỳ trường đại học, cao đẳng nào cũng có giai đoạn thực tập, thực tế cho sinh viên. Ở các trường cao đẳng nói chung, thời gian thực tập, thực tế của sinh viên thường diễn ra vào cuối năm 2, và năm thứ 3. Đây là khoảng thời gian để sinh viên lựa chọn, tìm kiếm một nơi để thực tập, làm quen với môi trường làm việc thực tế sau thời gian học tập trên giảng đường.
Tuy nhiên, trong tư tưởng của không ít sinh viên, thời gian thực tập chỉ cần tìm một doanh nghiệp có người quen, không cần đến công ty làm việc, học hỏi, chỉ cần xin dấu xác nhận thực tập là xong. Thời gian thực tập các bạn sẽ về quê, đi làm thêm, đi chơi,… Sở dĩ có những suy nghĩ như vậy vì các bạn nghĩ rằng ít có công ty nào nhận sinh viên đến thực tập sẽ hướng dẫn, chỉ bảo và coi các bạn như nhân viên, ngược lại, các bạn chỉ là chân sai vặt khi có việc cần thiết.
Vậy thực tập là gì? cần chuẩn bị những gì khi sinh viên kế toán đi thực tập doanh nghiệp? Bài viết sau sẽ giúp các bạn trả lời các câu hỏi đó.
Thực tập, thực tập sinh ngành kế toán là gì?
Thực tập là giai đoạn chuyển tiếp giữa môi trường học tập với môi trường làm việc thực tế, là giai đoạn vừa học vừa làm của sinh viên. Thực tập là nhu cầu tất yếu của các sinh viên sắp ra trường bởi đây là yêu cầu bắt buộc để các sinh viên đủ điều kiện tốt nghiệp. Xét về mặt học tập, đây là khoảng thời gian các sinh viên thực hiện công việc thực tế nào đó để áp dụng những kiến thức đã học trong trường đi vào thực tiễn.
Thực tập sinh ngành kế toán là người hỗ trợ kế toán viên thực hiện các công việc chuyên môn, làm việc dưới sự giám sát và chỉ dẫn của kế toán viên để tích lũy kinh nghiệm, làm quen với môi trường và các công việc, nhiệm vụ hàng ngày diễn ra trong bộ phận kế toán.
Những yếu tố cần có để làm tốt công việc của một thực tập sinh ngành kế toán
Về kiến thức
Thực tập sinh ngành kế toán đòi hỏi khá cao về mặt kiến thức, trình độ chuyên môn nhưng cũng không quá khắt khe như nhân viên chính thức. Sinh viên đi thực tập cần nắm chắc về lý thuyết và nguyên tắc hạch toán kế toán được học trong học phần Lý thuyết hạch toán kế toán – môn học cơ sở đóng vai trò quan trọng, xuyên suốt trong không chỉ quá trình học tập mà cả thời gian làm việc sau này. Ngoài ra, sinh viên đã được trang bị các kiến thức chuyên ngành thông qua các môn Kế toán tài chính, hướng dẫn cách xử lý các nghiệp vụ kinh tế phát sinh, tổng hợp và trình bày các dữ liệu đó trên Báo cáo tài chính, cũng như các môn thực hành kế toán với các chứng từ, giấy tờ làm việc cơ bản. Bên cạnh đó, sinh viên cũng đã được trang bị kiến thức về phần mềm kế toán. Đây là nền tảng quan trọng để sinh viên có thể hoàn thành kỳ thực tập doanh nghiệp với kết quả tốt nhất.
Về thái độ
Thái độ hay đạo đức nghề nghiệp dùng để đánh giá thực tập sinh trong bất cứ một ngành nghề nào. Với ngành kế toán, sản phẩm cuối cùng để cung cấp thông tin cho người sử dụng BCTC phải trung thực và hợp lý, do đó sinh viên cần đảm bảo xử lý các nghiệp vụ kinh tế phát sinh một cách khách quan, thẳng thắn, trung thực và thận trọng nhất.
Ngoài thái độ liên quan đến nghề nghiệp, sinh viên cần rèn luyện tinh thần cầu tiến, ham học hỏi. Thực tập là khoảng thời gian giúp sinh viên tích lũy kỹ năng thực tế, là cơ hội để có thể học hỏi, thực hành sau thời gian dài học lý thuyết trên ghế nhà trường. Thái độ đúng mực, hòa đồng, cầu tiến, muốn trau dồi và học hỏi kinh nghiệm sẽ tạo được ấn tượng tốt với nhân viên kế toán tại công ty thực tập, cũng như công việc sau khi ra trường.
Về kỹ năng
Bên cạnh kiến thức chuyên ngành, sinh viên cần nâng cao khả năng sử dụng công nghệ để ứng dụng vào quá trình thực tập cũng như làm việc sau này, như ứng dụng excel, các phần mềm kế toán, phần mềm kê khai thuế,… Ngoài ra, hiện nay có rất nhiều doanh nghiệp nước ngoài đang có chi nhánh tại Việt Nam, sinh viên hoàn toàn có cơ hội kết nối để thực tập tại các doanh nghiệp này. Nhưng để làm được điều đó, sinh viên cần trau dồi ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh. Sử dụng ngôn ngữ quốc tế giúp các sinh viên tự tin khi giao tiếp, đọc hiểu các tài liệu bằng tiếng Anh và lập được BCTC bằng tiếng Anh.
Ngoài ra, sinh viên ngành kế toán cần chuẩn bị cho mình các kỹ năng mềm cần thiết để thích ứng công việc thực tập như: kỹ năng giao tiếp, kỹ năng làm việc nhóm và làm việc độc lập, kỹ năng làm việc trong môi trường áp lực cao, kỹ năng quản lý thời gian,…
Những điều cần tránh khi đi thực tập kế toán
Khi đi thực tập, sinh viên cần tránh những điều sau:
– Ăn mặc không phù hợp: sinh viên học tập trên ghế nhà trường có thể thoải mái lựa chọn phong cách ăn mặc theo sở thích, nhưng khi đi thực tập, bạn nên chọn cách ăn mặc lịch sự, đúng đắn phù hợp môi trường công sở để thể hiện sự chuyên nghiệp.
– Làm việc riêng trong thời gian ở công ty: như lướt facebook, nhắn tin, nói chuyện với bạn bè quá lâu,… điều này sẽ khiến các nhân viên chính thức cảm thấy khó chịu, có ác cảm và không muốn hướng dẫn, chỉ bảo thực tập sinh.
– Đi muộn, về sớm, nghỉ không có lý do,… điều này thể hiện bạn không thực sự chuyên tâm với công việc được giao, không có tinh thần cầu thị, muốn học hỏi.
Tại trường Cao đẳng Thương mại và Du lịch Hà Nội, sinh viên kế toán được tham gia thực tế doanh nghiệp ngay từ năm thứ 2, và thực tập doanh nghiệp vào năm thứ 3, để sinh viên có thể vừa học lý thuyết vừa thực hành, va chạm thực tế, không chỉ học từ thầy cô mà còn được các nhân viên kế toán tại các công ty thực tập hướng dẫn, chỉ bảo. Rất nhiều sinh viên trải qua kỳ thực tập doanh nghiệp với thái độ tốt, kiến thức vững chắc đã được các công ty tiếp nhận thực tập giữ lại làm việc. Như vậy, có thể nói, thực tập không chỉ là điều kiện để sinh viên tốt nghiệp ra trường, mà còn là cơ hội học hỏi kinh nghiệm tuyệt vời trước khi bạn thật sự bước vào làm việc chính thức.
Người thực hiện: Đỗ Thị Thanh Hương: Giảng viên Khoa Tài chính – Kế toán
Nguồn tin: hcct.edu.vn