Những người thầy dành trọn đời cho HCCT: “Gắn bó trong gian khó mới biết đó là tình yêu”

Khi ta nhắc đến truyền thống, giá trị cốt lõi hay văn hóa của một ngôi trường là đang nhắc đến những con người thầm lặng, kiên cường trước những khó khăn, cống hiến trong từng dấu ấn để viết nên những trang lịch sử, chính họ là những người đã đặt nền móng để thế hệ hôm nay có thể bước tiếp với niềm tin và định hướng rõ ràng. 

   

Năm 1966, Hà Nội chìm trong khói lửa chiến tranh. Giữa bối cảnh đó, một nữ sinh viên mới tốt nghiệp Trường Đại học Kinh tế Quốc dân nhận quyết định phân công công tác về Trường Trung cấp Thương nghiệp Hà Nội.“Lúc đó, tôi không thích một tí nào cả” – cô Nguyễn Thị Ưng thẳng thắn chia sẻ. Ở tuổi trẻ, ai cũng ước ao được làm việc ở những nơi sôi động hơn nhưng số phận dẫn lối cô đến một ngôi trường nhỏ với dãy nhà tranh vách đất. Từ một giảng viên, cô từng bước đảm nhận các cương vị tổ trưởng bộ môn, Trưởng phòng Đào tạo, Hiệu phó, rồi Hiệu trưởng. Mỗi bước đi, cô đều để lại những dấu ấn đáng nhớ trong hành trình phát triển của trường đặc biệt là giai đoạn chuyển đổi mô hình, đổi tên trường và mở rộng đào tạo du lịch.

Gần một thập kỷ sau, tháng 10 năm 1977, thầy Nguyễn Mạnh Tiến, lúc ấy là một cán bộ trẻ cũng về công tác tại trường. Thầy bắt đầu từ vị trí nhân viên phòng ban, sau đó nỗ lực học tập, giảng dạy, rồi từng bước được tín nhiệm giao nhiệm vụ quản lý. Thầy lần lượt giữ chức Trưởng phòng Tổ chức – Hành chính, Trưởng phòng Đào tạo và đến năm 2009 được bổ nhiệm làm Phó Hiệu trưởng nhà trường. Từ những năm tháng tuổi trẻ cho tới khi nghỉ hưu vào năm 2016, thầy chọn ở lại, chưa một lần rẽ ngang – chọn đi lên từ chính nơi mình đã bắt đầu.

Cô Ưng và thầy Tiến với hai tính cách, hai hành trình, hai thế hệ nhưng cùng một điểm chung: chọn HCCT là định mệnh của cuộc đời mình. Không phải vì dễ dàng,… trái lại, như cô Ưng chia sẻ, “làm việc rất vất vả… chúng tôi từng phải trồng lúa, nuôi bò, chăn lợn, làm sắn dây để có thêm cái chia nhau dịp Tết” Nhưng họ không rời đi. Họ không lựa chọn con đường dễ hơn, mà ở lại, đặt nền móng cho một mái trường mà ngày nay thế hệ kế tiếp vẫn đang bước tiếp từ những gì họ đã xây nên.

Thời kỳ bao cấp, điều kiện sống và làm việc của giáo viên nhà trường vô cùng khó khăn. Cô Nguyễn Thị Ưng kể lại, có những năm các thầy cô phải chia nhau đi trồng lúa, nuôi lợn, nuôi bò, làm sắn dây, tận dụng cả đất ở Cổ Nhuế để tăng gia sản xuất. “Làm đủ mọi cách để có thêm cái chia nhau dịp Tết.” Nhưng không ai than phiền. Bởi khi ấy, ai cũng hiểu: phải lo cho cuộc sống, để còn được tiếp tục dạy học.

Năm 1994, khi được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng, cô Ưng chính là người tiên phong dẫn dắt nhà trường bước vào một giai đoạn chuyển mình quan trọng. Từ việc mở rộng sứ mệnh đào tạo, đổi tên trường thành Trung học Thương mại và Du lịch Hà Nội, đến việc kiên trì “chạy vạy” xin đất, xin kinh phí để xây dựng cơ sở mới tại Cầu Giấy. Khi ấy, nhà trường vẫn còn trong cảnh “tranh tre nứa lá”, chỉ có vài gian nhà gạch, một hội trường cũ kỹ.

Việc xin được đất đã khó, nhưng để xây dựng được một ngôi trường khang trang càng gian nan hơn. Từ những mối quan hệ trong ngành, từ chồng cô – cũng là một cán bộ cấp cao có uy tín – đến các đồng nghiệp, cô đều tận dụng để đóng góp cho trường ngày một khang trang. Có lần, khi phát hiện vật liệu xây dựng không đảm bảo chất lượng, cô kiên quyết yêu cầu dỡ bỏ toàn bộ phần thép rỗng và làm lại từ đầu. Với cô, trách nhiệm với nhà trường luôn là ưu tiên hàng đầu.

Nếu cô Ưng là người mở đường thì thầy Nguyễn Mạnh Tiến là người âm thầm gìn giữ và phát triển những giá trị đó. Giai đoạn làm Phó Hiệu trưởng, thầy Tiến chứng kiến rõ sự chuyển mình của nhà trường trong công tác đào tạo và kết nối doanh nghiệp. Với thầy, chất lượng đào tạo luôn là yếu tố cốt lõi, được tạo nên từ ba yếu tố: chất lượng đội ngũ, cơ sở vật chất kỹ thuật, và mối quan hệ gắn bó thực chất với doanh nghiệp. Trong từng lời kể của thầy, sự cẩn trọng, trăn trở với từng chi tiết đào tạo đều hiện rõ: “Chúng tôi phải thường xuyên chỉnh sửa chương trình, đưa học sinh xuống cơ sở thực tập, mời doanh nghiệp về trao đổi,… tất cả là để học sinh tiếp cận được thực tế, để không lạc nhịp khi bước vào thị trường lao động.”

Trải qua nhiều biến động, cả hai thầy cô đều có một điểm chung: không chọn con đường dễ, mà chọn gắn bó trọn đời với một nơi còn nhiều thiếu thốn nhưng đầy khát vọng. Họ là những người đã giữ lửa, giữ nghề, và trao truyền cho những thế hệ tiếp theo một ngọn lửa nghề chưa bao giờ tắt.

Với thầy Nguyễn Mạnh Tiến, người từng giữ cương vị Phó Hiệu trưởng nhà trường, chất lượng đào tạo không phải là một khẩu hiệu đó là một thước đo sống còn, được định nghĩa bằng kết quả cuối cùng: “Thước đo chất lượng đào tạo là học sinh, sinh viên ra trường có việc làm hay không.” Suốt chặng đường từ nhân viên, giảng viên, rồi trưởng phòng cho đến khi được tín nhiệm giao vị trí lãnh đạo, thầy chưa từng ngừng trăn trở với câu hỏi: Làm sao để đào tạo thực chất hơn? Làm sao để học sinh bước ra từ ghế nhà trường là có thể bắt tay ngay vào công việc?

Từ kinh nghiệm nhiều năm gắn bó, thầy đúc kết ba yếu tố then chốt làm nên chất lượng đào tạo: đội ngũ cán bộ, giảng viên, cơ sở vật chất, kỹ thuật, và mối quan hệ với doanh nghiệp. “Nhà trường đào tạo mà không gắn với doanh nghiệp thì học sinh ra trường biết bắt đầu từ đâu?”, thầy nói, một câu hỏi không chỉ để hỏi mà để hành động. Trong suốt nhiệm kỳ công tác, thầy luôn sát sao trong việc chỉnh sửa chương trình, điều chỉnh nội dung đào tạo để sát với thực tiễn, tổ chức thực tập tại doanh nghiệp, mời doanh nghiệp về giảng dạy chuyên đề, khảo sát nhu cầu thực tế. Không phải để phong trào, mà để từng học kỳ, từng môn học trở nên thực chất hơn.

“Các thầy cô phải đi thực tế, phải tiếp cận, phải học tập và cập nhật thì mới thay đổi được nội dung đào tạo,” thầy nói với chất giọng điềm đạm nhưng cương quyết. Trong lời kể của thầy, từng bước đi đều rõ ràng, không vội vã, nhưng nhất quán: đào tạo phải bám sát đời sống, phải đưa học sinh chạm được vào thực tế.

Coi chất lượng là gốc, gắn doanh nghiệp là cầu nối, với thầy Tiến, công tác giáo dục không chỉ là truyền thụ tri thức mà là trao cơ hội để lập nghiệp một cách đàng hoàng, có trách nhiệm. Đó là lẽ sống, cũng là giá trị mà thầy để lại cho HCCT suốt hơn ba thập kỷ gắn bó.

Khi nhắc lại những bước chuyển mình của nhà trường, giọng kể của thầy Nguyễn Mạnh Tiến và cô Nguyễn Thị Ưng đều xúc động, tự hào. Cả cô và thầy đều chứng kiến thời điểm nhà trường chỉ có vài ngành đào tạo sơ cấp, trung cấp, đến hôm nay phát triển thành một hệ thống với 14 ngành hệ cao đẳng, 9 ngành trung cấp, 14 ngành sơ cấp,  cùng nhiều chương trình đào tạo ngắn hạn, liên kết quốc tế. Đó không chỉ là con số mà là kết quả của cả một chặng đường dài thầm lặng dựng xây.

Dù đã nghỉ hưu, cả hai thầy cô vẫn chưa từng thôi dõi theo bước tiến của HCCT. Cô Ưng vẫn luôn giữ liên hệ với trường, lặng lẽ góp ý khi thấy điều cần chia sẻ, như một cách để tiếp tục “gửi gắm tấm lòng với ngôi trường đã dành trọn cả cuộc đời.” Còn thầy Tiến, mỗi khi thay mặt nhà trường nhận bằng khen trong các dịp tổng kết, lễ hội ngành, luôn xúc động thật lòng: “Thành quả này không của riêng ai. Đây là mồ hôi, công sức, là tâm huyết của bao thế hệ thầy trò đã cùng vun đắp”

Với nhiều người, vài năm gắn bó đã là điều đáng quý. Nhưng với cô Nguyễn Thị Ưng – 34 năm 3 tháng và với thầy Nguyễn Mạnh Tiến – 38 năm 2 tháng, HCCT là cả một đời.

“Tôi từng không muốn về trường, nhưng rồi lại yêu trường đến mức gắn bó cả đời. Có lẽ cái duyên, cái nghiệp, cái tình đều đủ đầy” – cô Ưng chia sẻ

“Ngồi đây hôm nay, tôi xúc động nhớ lại cả tuổi thanh xuân của mình, của bao thầy cô, bạn bè… Những người đã góp công sức, vượt qua biết bao thiếu thốn, vất vả để tạo nên một ngôi trường khang trang, đàng hoàng như hôm nay. HCCT là kết tinh của điều đó” – thầy Tiến bồi hồi.

Hành trình 60 năm của trường Cao đẳng Thương mại và Du lịch Hà Nội không chỉ được viết bằng dấu mốc thành lập, bảng vàng thành tích, hay những công trình khang trang, hiện đại. Hành trình ấy được gìn giữ và nối dài bởi những người đã chọn ở lại, âm thầm và bền bỉ như thầy Nguyễn Mạnh Tiến, cô Nguyễn Thị Ưng và biết bao thầy cô khác trong Hội Cựu giáo chức của trường, những người vẫn luôn dõi theo từng bước trưởng thành của HCCT với một tình yêu chưa bao giờ nguôi.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

TIN MỚI CẬP NHẬT

TIN TUYỂN SINH