Sáng ngày 1/3/2023 tại Hội trường A3 buổi Tọa đàm thường kỳ của trường Cao đẳng Thương mại và Du lịch lại diễn ra nói về “Tầm quan trọng của thấu hiểu văn hóa đối với sinh viên HCCT” là buổi tọa đàm số 2 của năm học 2022-2023 diễn. Trong thời kỳ hội nhập, việc thấu hiểu văn hóa toàn cầu, văn hóa quốc gia, văn hóa vùng miền, văn hóa doanh nghiệp – tổ chức và văn hóa cá thể là điều vô cùng quan trọng để khai thông giá trị, giúp con người hiểu nhau hơn, tương tác tốt hơn, dẫn đến thành công hơn trong cuộc sống và công việc.
Trong giai đoạn toàn cầu hóa hiện nay, các nhân lực làm việc trong môi trường đa văn hóa là rất phổ biến. Việc thấu hiểu văn hóa cá thể cũng giúp các sinh viên sắp ra trường trang bị bộ công cụ hoàn chỉnh để có thể thích nghi tốt hơn ở những nhiệm vụ phải làm việc theo nhóm và mang tính hợp tác. Buổi tọa đàm “Tầm quan trọng của thấu hiểu văn hóa đối với sinh viên HCCT” nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, giáo viên và sinh viên trường Cao đẳng Thương mại & Du lịch Hà Nội về tầm quan trọng của thấu hiểu văn hóa và kinh nghiệm làm việc tại các môi trường đa văn hóa, đa quốc gia để có thể thích ứng trong thời đại hội nhập và toàn cầu hóa. Đây cũng là một hoạt động ngoại khóa truyền cảm hứng vô cùng ý nghĩa đối với sinh viên trong nhà trường.
Hai vị diễn giả tham dự buổi tọa đàm đều là những người am hiểu về văn hóa. Giáo sư Heltai Gyongji, người Hungary chuyên nghiên cứu về lịch sử văn hóa đại chúng, di sản văn hóa phi vật thể và lịch sử sân khấu đương đại. Hiện giáo sư đang giảng dạy tại ĐH Khoa học Xã hội và nhân văn theo chương trình trao đổi giảng viên giữa Việt Nam và Hungary. Còn nhà báo Payel Sengupta đang là biên tập viên tạp chí Phụ nữ ở TP Kolkata và chị cũng chuyên nghiên cứu về âm nhạc và vũ đạo dân gian Ấn Độ.
Tại buổi tọa đàm, nhà báo Payel Sengupta chia sẻ rằng ở Ấn Độ chị gặp nhiều cú sốc văn hóa vì đất nước của chị có 28 bang và có những bang họ nói ngôn ngữ khác, phong tục tập quán và ẩm thực hoàn toàn khác. Tuy nhiên khi sang Việt Nam chị lại không gặp bất cứ cú sốc văn hóa nào. Có lẽ vì chị đã biết đến Việt Nam từ khi còn rất nhỏ bởi thành phố Kolkata nơi chị sống có rất nhiều đảng viên Đảng cộng sản. Họ rất hâm mộ Hồ Chủ Tịch cũng như những chiến thắng vang dội của Việt Nam. Từ đó chị đã tìm hiểu nhiều về Việt Nam. Chuyến đi lần này đến Việt Nam mặc dù là lần đầu tiên nhưng đã mang cho chị những kỷ niệm tốt đẹp về con người Việt Nam. “Đặc biệt là những món ăn đường phố, điều đó gợi nhớ cho tôi về Kolkata. Thành phố của tôi cũng đầy những quán hàng vỉa hè như vậy”.
Giáo sư Heltai Gyongji thì cho rằng Hungary và Việt Nam có nhiều điểm tương đồng trong văn hóa bởi cả hai nước đều rất yêu thi ca, văn học và những giai điệu dân gian. Là một người chuyên nghiên cứu về sân khấu, bà quan sát đời sống nghệ thuật ở Việt Nam và thấy rằng âm nhạc dân gian đương đại rất được ưa chuộng, cũng giống như ở Hungary, các nhạc sĩ rất ưa sử dụng chất liệu dân gian vào trong âm nhạc. Cả hai nước đều từng có quá khứ chật vật thoát khỏi ách đô hộ của ngoại xâm trong nhiều thế kỷ. Bà cũng thấy người Việt Nam tốt bụng, thân thiện và lạc quan, sự lạc quan này hơn người Hungary rất nhiều.
Người điều phối chương trình là giảng viên Nguyễn Diệu Linh đã đưa ra vấn đề rằng “Trước đây chúng ta chỉ nhắc đến khái niệm văn hóa quốc gia, văn hóa vùng miền, nhưng bây giờ thì chúng ta có thêm văn hóa toàn cầu, văn hóa doanh nghiệp, rồi văn hóa cá thể.” Giáo sư Heltai Gyongji đồng ý rằng hiện nay đã xuất hiện cái gọi là khái niệm văn hóa toàn cầu nhưng bà thấy tiềm ẩn trong đó nhiều rủi ro hơn là điều tích cực. Nhà báo Payel Sengupta cũng cho rằng mạng xã hội đã thúc đẩy văn hóa toàn cầu phát triển, tuy nhiên hòa nhập chứ không hòa tan vẫn là vấn đề cốt lõi, mỗi quốc gia vẫn cần phải duy trì bản sắc riêng của dân tộc mình.
Kết thúc chương trình, nhà báo Payel Sengupta đã tặng cho các sinh viên và thầy cô của HCCT một vũ điệu dân gian do chính cô trình diễn. Không khí văn hóa Ấn Độ do Payel Sengupta mang đến đã làm nóng hội trường vào phút cuối với những tràng vỗ tay không ngớt. Cả hai diễn giả đều khen ngợi các sinh viên của HCCT rất dễ thương và nồng nhiệt cũng như cảm ơn sự chân thành của ban tổ chức.
Người thực hiện: Di Li