Ngày 23-2, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về việc giảng dạy chương trình giáo dục thường xuyên tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giáo dục và đào tạo nghiên cứu, tiếp thu ý kiến từ Bộ Tư pháp để khẩn trương có văn bản hướng dẫn các địa phương tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học tham gia tổ chức giảng dạy chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông. Điều này nhằm đảm bảo quyền lợi học tập liên thông, suốt đời của người học.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị Bộ Giáo dục và đào tạo nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Bộ Lao động – thương binh và xã hội và các cơ quan có liên quan để khẩn trương hoàn thiện và ban hành văn bản quy định về việc dạy khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Sinh viên ngành Kỹ thuật chế biến – Trường Cao đẳng Thương mại và Du lịch Hà Nội trong tiết học thực hành – Ảnh Khoa CNCB
Hiện nay, các trường nghề không được trực tiếp thực hiện hoạt động giảng dạy chương trình giáo dục thường xuyên bậc trung học phổ thông (chương trình 7 môn) cho hệ 9+. Thay vào đó, việc giảng dạy sẽ chuyển về các trung tâm giáo dục thường xuyên quản lý.
Tuy nhiên theo đại diện các trường nghề, quy định này phát sinh nhiều bất cập như lãng phí đội ngũ giáo viên dạy văn hóa đã có từ trước trong trường nghề, trong khi lại phải liên kết với trung tâm giáo dục thường xuyên.
Nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp cũng cho rằng việc quản lý của trung tâm giáo dục thường xuyên dù chỉ trên danh nghĩa nhưng lại khiến trường nghề mất đi sự tự chủ trong việc sắp xếp giảng dạy chương trình học cân bằng giữa học nghề và học văn hóa.
Trọng Nhân – Nguồn: Cổng thông tin điện tử Tổng cục GDNN