Đại dịch Covid-19 bùng phát khiến cả thế giới vốn đã luôn biến động lâm vào trạng thái khủng hoảng, bấp bênh hơn bao giờ hết. Đại dịch tạo ra những thách thức lớn nhưng đồng thời cũng tạo ra cơ hội mới. Đúng như triết lý của Đức Đạt Lai Lạt Ma: “Mỗi khi có thử thách thì cũng là khi ta có cơ hội để đối mặt, thể hiện và phát huy ý chí cũng như lòng quyết tâm của mỗi chúng ta”
Một trong những cơ hội mới do nhu cầu duy trì công việc trong đại dịch chính là sự gia tăng mạnh mẽ của xu thế làm việc từ xa. Trong bài viết này chúng tôi đề cập đến những cách thức để các bạn có thể bắt kịp với xu thế làm việc trong thời đại công nghệ số nhé!
Xu thế làm việc từ xa
Nhờ sự phát triển của công nghệ thông tin và truyền thông, thường được gọi là ICT (viết tắt của Information & Communication Technology) ý tưởng “làm việc tại nhà” (work from home) bắt nguồn từ bang California, Mỹ vào giữa thập niên 1970 và được các công ty công nghệ có trụ sở tại California như Yahoo quảng bá mạnh mẽ vào giữa thập niên 1980 với tên gọi “telecommuting” mà sau này chuyển thành “telework” tức là làm việc từ xa trong tiếng Việt (Messenger, 2019).
Trải qua nhiều năm và gắn với nhiều tên gọi (làm việc tại nhà – work from home, làm việc từ xa – telecommuting, remote work hay telewwork) cũng như các khái niệm khác nhau (văn phòng tại nhà – home office, văn phòng di động – mobile office, văn phòng ảo – virtual office), làm việc từ xa có thể được hiểu là hình thức làm việc ở “bất kỳ nơi đâu” vào “bất kỳ khi nào” trên toàn cầu chỉ cần với một thiết bị kết nối như điện thoại thông minh (smartphones) hay các sản phẩm tương tự như máy tính xách tay, máy tính bảng. Các thiết bị này giúp tiếp cận được thông tin cần thiết cho công việc được lưu trữ trên internet như cơ sở dữ liệu của công ty hay các tài khoản “đám mây” (clouds) có thể chia sẻ, cập nhật với độ linh hoạt cao và mạng lưới kết nối rộng, nhanh, và an toàn.
Nghiên cứu dựa trên thực tế công việc tại 10 nước châu Âu và Argentina, Bỉ, Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ đã chứng minh hình thức làm việc từ xa đem lại bốn nhóm lợi ích chính: thời gian làm việc, cân bằng giữa công việc–cuộc sống (work-life balance, viết tắt WLB), an toàn và sức khỏe nghề nghiệp, và hiệu quả công việc của cả cá nhân và tổ chức (Messenger, 2019).
Nhiều công ty với quy mô lớn nhỏ khác nhau như Facebook hay Twitter thuê số lượng lớn nhân viên làm việc từ xa. Bên cạnh đó, nhiều công ty ở nước ngoài như Mỹ, Úc, Anh tìm kiếm ứng viên ở các nước châu Á trong đó có Việt Nam để làm việc từ xa dưới nhiều hình thức tuyển dụng như làm việc toàn thời gian (full-time), bán thời gian (part-time), hay phù động (casual). Thuê nhân viên làm việc từ xa ở các nước châu Á giúp các công ty vừa tiết kiệm được khoản chi phí đáng kể so với chi phí thuê lao động trong nước vừa đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng nguồn lao động có tay nghề và kỹ năng cao. Một số yếu tố luôn thu hút được các nhà tuyển dụng nước ngoài có thể kể đến như múi giờ phù hợp, ngoại ngữ tốt đặc biệt là tiếng Anh và chi phí lao động thấp.
Vậy làm thế nào để chúng ta có thể tìm kiếm và tận dụng được các cơ hội làm việc từ xa? Có nhiều cách để tiếp cận cơ hội làm việc từ xa, một trong những cách hiệu quả và không đòi hỏi quá nhiều thời gian là biết cách dùng mạng xã hội Linkedin hiệu quả.
Linkedin là một trang mạng xã hội cũng như các mạng xã hội khác như Facebook, Twitter, và Instagram. Tuy nhiên, không như các trang mạng xã hội khác, Linkedin là một trang mạng xã hội mang tính chuyên nghiệp. Linkedin hiện có tới gần 740 triệu thành viên ở hơn 200 nước với trên 55 triệu công ty đăng ký trên toàn cầu. Điều này khiến chúng ta hẳn không mấy ngạc nhiên khi biết có tới 87% nhà tuyển dụng thường xuyên sử dụng Linkedin (Osman, 2022). Ngoài ra Linkedin còn là nơi để chúng ta chia sẻ, kết nối, hay tham gia các các khóa học nâng cao kỹ năng và chuyên môn.
Mặc dù Linkedin có rất nhiều lợi ích và có tỉ lệ người dùng đông đảo trên thế giới (chỉ đứng sau Facebook và Youtube), mạng xã hội Linkedin lại chưa được dùng phổ biến ở Việt Nam. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, công nghệ 4.0 và xu thế làm việc từ xa gia tăng mạnh do đại dịch covid-19, tham gia Linkedin sẽ tạo ra một nhịp cầu kết nối chúng ta với những nhà tuyển dụng, mở ra cơ hội làm việc ở “bất kỳ nơi đâu” vào ”bất kỳ khi nào” cho các công ty tại Việt Nam, công ty tại Việt Nam có cộng sự quốc tế hay công ty tại các nước khác trên toàn cầu.
Trước tiên chúng ta cần tạo lập một Tài khoản Linkedin.
Sau khi tạo tài khoản Linkedin, chúng ta có thể bắt đầu tạo Profile (Thông tin cá nhân). Tạo Profile khá đơn giản nhưng chúng ta cần lưu ý các từ khóa lựa chọn để mô tả, nhấn mạnh các kỹ năng, bằng cấp, kinh nghiệm làm việc vì chính các từ khóa này nhiều khi sẽ giúp nhà tuyển dụng tìm tới chúng ta để mời ứng tuyển vào những vị trí công việc phù hợp bên cạnh việc chúng ta chủ động liên hệ ứng tuyển.
Ngoài việc sử dụng Linkedin, duy trì và cập nhật thường xuyên hồ sơ trực tuyến trên các trang tuyển dụng đa quốc gia như Indeed – một trong những trang tuyển dụng lớn nhất trên toàn cầu, cũng là điều các ứng viên nên làm.
Với một hồ sơ trực tuyến thường xuyên được cập nhật trên tài khoản Linkedin cũng như trên các trang tuyển dụng phổ biến cộng thêm sự thành thạo trong việc sử dụng các nền tảng làm việc trực tuyến như Microsoft Teams, Zoom Meeting, và Google Meets, chúng ta sở hữu trong tay những công cụ thiết yếu, nắm bắt xu thế làm việc từ xa – một xu thế làm việc vốn đã khá phổ biến lại càng gia tăng mạnh trong và sau đại dịch và được dự báo là một trong những xu thế làm việc chính trong tương lai.
Qua bài viết này bạn đã có thể thấy được xu thế làm việc hiện nay được thực hiện rất nhiều thông qua công cụ trực tuyến nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả công việc và phát huy vai trò của nguồn nhân lực. Chúc bạn sớm bắt kịp với xu thế để phát huy hết khả năng của mình trong công việc và đạt đến thành công của sự nghiệp nhé!
Người thực hiện: Nguyễn Thị Bích Ngọc – Giảng viên khoa Ngoại Ngữ
Nguồn tin: hcct.edu.vn