Các buổi tọa đàm với khách mời là diễn giả danh tiếng được coi là hoạt động ngoại khóa thường niên của Trường Cao đẳng Thương mại và Du lịch Hà Nội nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, giảng viên và sinh viên về thái độ và kỹ năng phục vụ cho công tác học tập và làm việc.
Tọa đàm đầu tiên của năm học 2024-2025 sẽ đi vào một chủ đề rất thú vị là “Sống chung với sự khác biệt”. Đây là một thái độ sống văn minh để có thể thích nghi với tinh thần làm việc nhóm và hội nhập toàn cầu, đặc biệt trong một thời kỳ kết nối rộng khắp thông qua các phương tiện như mạng xã hội, sự thích ứng với các văn hóa cá thể, các quan điểm đa chiều, các lối sống đa dạng cũng như các phương thức làm việc khác nhau sẽ được coi là một nhân tố vô cùng quan trọng để thúc đẩy xã hội cùng phát triển.
Hai vị khách mời đặc biệt của chương trình là nhà văn Tâm Phan, chủ thương hiệu H2E, là tác giả của loạt đầu sách bán chạy như “Hồi ký Tâm Phan”, “Lần đầu làm mẹ”, “Chuyện về Jenna”, “Lịch sử lâu dài của hạnh phúc”, từ Australia và bà Chu Hoài Phương, từng quản lý dự án và tài chính cho các tập đoàn nước ngoài như Roche, Indochina Capital, Victoria Group Hotels and Resorts, từ Anh Quốc. Cả hai đều vừa bay về Hà Nội ngày hôm trước từ hai hướng khác nhau để kịp tham gia sự kiện.
TS. Trịnh Thị Thu Hà, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng nhà trường đã chia sẻ tại sự kiện rằng “Đây là một chủ đề rất nóng trong bối cảnh xã hội cũng như là sự phát triển của nền kinh tế thế giới. Công dân ở Việt Nam không chỉ là ở Việt Nam nữa mà bây giờ cái mà chúng ta hướng tới là không gian toàn cầu.
Trong bài phát biểu TS. Trịnh Thị Thu Hà cũng chia sẻ: Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội cũng định hướng trường Cao đẳng Thương mại và Du lịch Hà Nội trong giai đoạn 2025 – 2030 sẽ trở thành trường đào tạo hàng đầu trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ, du lịch. Như vậy thì có rất nhiều ngành của nhà trường là ngành trọng điểm quốc gia, ngành trọng điểm khu vực và quốc tế, tương ứng với đó là trình độ về chuyên môn, về tay nghề, các em phải đạt chuẩn ở các cấp trình độ khác nhau. Chính vì vậy là không có lý do gì mà các bạn chỉ làm việc ở Việt Nam mà lại không làm việc ở các quốc gia trong khu vực cũng như trên thế giới. Khi đó mỗi người sẽ có một hành trang để giải quyết những sự khác biệt ngay trong cuộc sống xung quanh và trong quá trình làm việc. Sinh viên cần phát triển kỹ năng làm việc nhóm, giải quyết xung đột và hòa nhập với sự khác biệt văn hóa. Các kỹ năng này sẽ giúp sinh viên thích ứng tốt hơn khi làm việc trong môi trường đa văn hóa, cả trong và ngoài Việt Nam.”
Tại buổi tọa đàm, hai khách mời đều là những người đang sinh sống và làm việc lâu năm tại nước ngoài, đã từng đi du học nên họ cho biết việc đối mặt với sự khác biệt cũng rất khắc nghiệt.
Nhà quản lý tài chính Chu Hoài Phương kể một câu chuyện thú vị rằng chị từng nhiều năm làm việc trong một công ty ở Thụy Sĩ, mà văn hóa của người phương Tây nói chung là khi nói chuyện phải nhìn thẳng vào mắt người đối diện. Vì thế chị đã phải nhiều ngày luyện tập kỹ năng giao tiếp này bằng cách sau một ngày làm việc đều phải ghi chép xem mắt của từng người mà mình đã đối thoại trong ngày hôm đó có… màu gì.
Bà Chu Hoài Phương chia sẻ: Vì mắt của người châu Âu có rất nhiều màu, thậm chí là xanh lơ thì cũng nhiều tông độ nên để ghi nhớ được điều này thì chị phải rất tập trung nhìn vào mắt người đối diện khi trò chuyện. Có nhiều ngày chị thất bại vì nhận ra rằng mình lơ đãng không nhìn vào mắt họ nên không nhớ nổi mắt của họ màu gì.
Nhà văn Tâm Phan thì chia sẻ rằng chị đã có những trải nghiệm đôi khi không tốt với những bạn cùng phòng có hành xử khác biệt nhưng đều phải nỗ lực vượt qua. Bởi vì theo chị, hạnh phúc là điều quan trọng nhất trong cuộc sống chứ không phải tiền bạc, nếu chúng ta có kiếm được nhiều tiền, đạt được những vị trí cao trong xã hội thì cũng chỉ là để phục vụ cho cảm giác hạnh phúc của mình nên giá trị cao nhất vẫn là hạnh phúc. Mà nếu chúng ta cứ đau khổ vì những hành xử và quan điểm khác biệt của những người xung quanh thì chúng ta sẽ không có được niềm vui sống.
Trong buổi tọa đàm, cả hai diễn giả đều nhắc đến mẹ của mình và khoảng cách thế hệ cũng như sự khác biệt giữa lối sống. Nhà quản lý tài chính Chu Hoài Phương cũng đã từng có mâu thuẫn với mẹ nhưng sau này chị học cách nhìn sự vật hiện tượng bằng bản chất vốn có thay vì nhìn thế giới bên ngoài thông qua lăng kính hạn hẹp của mình.
Sau khi thảo luận và đưa ra cách giải quyết về việc khắc chế cái tôi để thích nghi với các quan điểm đa chiều trên mạng xã hội, các lối sống và phong cách làm việc đa dạng ở chỗ làm, các diễn giả cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển các kỹ năng cần thiết để thành công trong môi trường làm việc đa văn hóa. Các sinh viên cũng đưa ra nhiều câu hỏi tương tác thú vị và nhận được những phần quà ý nghĩa từ các diễn giả.
Buổi tọa đàm đã diễn ra thành công tốt đẹp, đã có rất nhiều kiến thức thực tế mà các khán giả tham dự thu nhận được từ các diễn giả và phần nào vận dụng vào cuộc sống của mình để có thể giải quyết tốt những tình huống “ khác biệt” trong cuộc sống thành những tình huống hữu ích và làm cho cuộc sống tươi đẹp hơn.
Nguyễn Diệu Linh