Chiều ngày 04/3/2022 tại Sở Du lịch Hà Nội Hà Nội diễn ra buổi làm việc giữa Sở Du Lịch Hà Nội với Trường Cao đẳng Thương mại và Du lịch Hà Nội cùng các đơn vị liên quan về việc đào tạo nguồn nhân lực ngành Du lịch – Khách sạn kịp thời cung ứng cho thị trường lao động của ngành nhanh chóng phục hồi sau đại dịch COVID-19.
Chủ trì buổi làm làm việc, Bà Đặng Hương Giang – Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cùng các Phó Giám đốc Ông Trần Trung Hiếu, Ông Võ Hùng Minh .
Về phía Trường Cao đẳng Thương mại và Du Lịch Hà Nội tham gia trong buổi làm việc có Tiến sĩ Trịnh Thị Thu Hà – Bí thư Đảng ủy- Hiệu trưởng, Ông Trịnh Văn Thảo – Phó trưởng phòng Tổ chức – Hành chính quản trị, Bà Nguyễn Thị Hồng Ngọc – Trưởng khoa Khách sạn du lịch.
Đại diện Tổng cục GDNN trong công tác đào tạo nhân lực có Ông Đào Trọng Độ – Vụ trưởng Vụ Đào tạo thường xuyên
Về phía Hiệp hội Du lịch Hà Nội có Bà Trịnh Mỹ Nghệ – Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội, Bà Trần Thị Mai Hương – Phó Chủ tịch Chi hội Lưu trú, Ông Phùng Quang Thắng- Phó Chủ tịch Chi hội Lữ hành Hà Nội – Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist.
Ông Trương Quốc Hùng – Chủ tịch CLB Lữ hành Unesco Hà Nội
Đại diện Sở Lao động Thương binh – Xã hội TP Hà Nội có Ông Phạm Tiến Hưng – Phó Trưởng phòng Dạy nghề
Tại buổi làm việc, Giám đốc sở Du lịch bà Đặng Hương Giang đã nêu lên các vấn đề cần trao đổi và chia sẻ giữa cơ quan quản lý các cấp, doanh nghiệp và nhà trường về việc khôi phục, phát triển nguồn nhân lực lĩnh vực du lịch – khách sạn khi bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID – 19. Công tác hỗ trợ đào tạo nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đối với các doanh nghiệp kinh doanh khách sạn – du lịch trên địa bàn thành phố Hà Nội theo Nghị quyết 68/2021/NQ-CP.
Bà Đặng Hương Giang cho rằng: do ảnh hưởng của dịch bệnh kéo dài nguồn nhân lực lao động trong lĩnh vực du lịch bị ảnh hưởng trầm trọng, để đảm bảo cuộc sống phần lớn người lao động đã chuyển đổi sang làm việc ở các ngành nghề khác. Khi hoạt động du lịch phục hồi trở lại trong điều kiện vẫn còn dịch bệnh thì nguồn nhân lực còn lại là rất hạn chế. Để khôi phục được hoạt động của ngành du lịch – khách sạn chúng tôi cần có những chính sách hỗ trợ của Thành phố, Tổng cục Du lịch và Nhà nước để có ngân sách đào tạo nâng cao trình độ, kỹ năng cho người lao động trong lĩnh vực này.
Bà Đặng Hương Giang – Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội phát biểu tại buổi làm việc
Bà Đặng Hương Giang cho biết, hiện nay rất nhiều người dân Hà Nội tham gia làm du lịch tại địa phương đang rất hiệu quả mà chưa được qua đào tạo, do đó họ cần được đào tạo trực tiếp những kiến thức cơ bản về phục vụ hoạt động du lịch tại chỗ. Do đó, để nâng cao hơn nữa hiệu quả phát triển du lịch địa phương Sở Du lịch Hà Nội sẽ có những phương án xây dựng các lớp đào tạo nhân lực lao động du lịch địa phương theo kiểu “cầm tay chỉ việc: để phát huy tối đa nguồn nhân lực lao động tại chỗ thúc đẩy du lịch Thủ đô phát triển.
Ông Trương Quốc Hùng – Chủ tịch CLB Lữ Hành Unesco Hà Nội phát biểu: tính từ khi có dịch bệnh đến này gần 1000 doanh nghiệp là hội viên của CLB ngừng hoạt động, số doanh nghiệp du lịch hoạt động cầm chừng chỉ từ 5-10%, các doanh nghiệp kinh doanh khách sạn duy trì hoạt động cũng chỉ còn khoảng 50% Để khôi phục lại lực lượng lao động khi hoạt động của ngành này quay trở lại nhà nước và thành phố cần có chính sách đào tạo, hỗ trợ kinh phí đào tạo phù hợp đồng thời tạo điều kiện thuận lợi về quy trình, thủ tục cho cả doanh nghiệp và người lao động được đảm bảo thực hiện.
Tại buổi làm việc Ông Phùng Quang Thắng- Phó chủ tịch Chi hội Lữ hành Hà Nội – Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist cho rằng: Chính phủ cần có chính sách phù hợp trong công tác đào tạo nguồn nhân lực đối với ngành du lịch kể cả người lao động đã làm việc lâu năm hay mới tham gia làm việc trong ngành du lịch để toàn bộ lao động trong doanh nghiệp được nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp để khi ngành phục hồi trở lại sau đại dịch COVID – 19 sẽ có đầy đủ nhân lực có trình độ, kỹ năng đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp lữ hành đẩy mạnh hoạt động du lịch của Thủ đô và cả nước.
Đại diện cơ sở đào tạo nguồn nhân lực trong hoạt động du lịch – khách sạn nhiều năm qua, Tiến sĩ Trịnh Thị Thu Hà – Bí thư Đảng ủy- Hiệu trưởng nhà tường đã phát biểu. Nhà trường sẽ phối hợp cùng các doanh nghiệp triển thực hiện hoạt động đào tạo theo nội dung của Nghị quyết 68/2021/NQ-CP nhằm đảm bảo nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động bị ảnh hưởng do dịch bệnh kéo dài và duy trì việc làm cho người lao động sau đại dịch COVID-19. Nhà trường đã nhiều năm đào tạo lao động trong lĩnh vực du lịch – khách sạn với phương châm kết nối nhà trường và doanh nghiệp trong quá trình đào tạo, do đó hàng năm chúng tôi đã cung cấp một lượng lớn sinh viên có chất lượng ra thị trường lao động của ngành này.
Tiến sĩ Trịnh Thị Thu Hà – Bí thư Đảng ủy- Hiệu trưởng nhà tường đã phát biểu tại buổi làm việc
Hàng năm nhà trường mở nhiều lớp đào tạo ngắn hạn, đào tạo tại chỗ, đào tạo lại người lao động trong lĩnh vực du lịch – khách sạn tại Hà Nội cũng như nhiều tỉnh phía bắc khác, do đó trong thời gian tới nhà trường mong muốn được kết hợp với Sở Du lịch Hà Nội, các doanh nghiệp trong Hiệp hội triển khai các lớp đào tạo bồi dưỡng ngắn hạn cho người lao động nhằm nâng cao trình độ, đẩy nhanh sự phục hồi nhân lực cho ngành du lịch Thủ đô sau đại dịch.
Ông Đào Trọng Độ – Vụ trưởng Vụ Đào tạo thường xuyên, Tổng cục GDNN
Sau khi lắng nghe ý kiến của các đơn vị tham gia buổi làm việc về thực tế nguồn nhân lực ngành du lịch – khách sạn Thủ đô và những khó khăn trong công tác triển khai các văn bản, nghị quyết của Chính phủ về công tác hỗ trợ đào tạo đối với người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID – 19, Ông Đào Trọng Độ – Vụ trưởng Vụ Đào tạo thường xuyên, Tổng cục GDNN có ý kiến trao đổi và định hướng đối với công tác phát triển nguồn nhân lực: Nghị quyết 68/2021/NQ-CP là chương trình hỗ trợ đặc thù của Chính phủ cho người sử dụng lao động và người lao động do bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID – 19.Trong khi nguồn ngân sách nhà nước còn hạn hẹp, Để đảm bảo hỗ trợ kịp thời cho các đối tượng bị hưởng bởi dịch bệnh COVID – 19, Chính phủ đã quyết định sử dụng nguồn kinh phí từ quỹ Bảo hiểm thất nghiệp để hỗ trợ cho các đối tượng. Khi sử dụng nguồn kinh phí này các đối tượng cần phải tuân thủ một số điều kiện, quy định trong Luật Việc làm năm 2013.
Tới đây Tổng cục sẽ rà soát số lượng lao động, nhu cầu đào tạo của ngành du lịch – khách sạn, phối hợp với các địa phương xây dựng các chương trình phát triển nguồn nhân lực từ các nguồn ngân sách khác nhau để thúc đẩy nhanh hoạt động đào tạo nhân lực để cung cấp nguồn nhân lực đảm bảo chất lượng cho các doanh nghiệp. Khi đó các cơ quan nhà nước các doanh nghiệp và nhà trường cùng vào cuộc thực hiện công tác đào tạo nguồn lao động đảm bảo chất lượng và hiệu quả đẩy nhanh quá trình phục hồi ngành du lịch – khách sạn cũng như nền kinh tế.
Buổi làm việc giữa các đơn vị đã diễn ra thành công, qua đó các bên cùng thống nhất đưa ra những phương hướng, giải pháp mới trong việc phát triển nguồn nhân lực đối với ngành du lịch – khách sạn trong giai đoạn hiện nay của cả nhà trường và các cơ quan quản lý chuyên môn cùng các doanh nghiệp. Hy vọng sự hợp tác giữa các bên duy trì bền chặt cùng hướng tới mục tiêu phát triển ngành Du lịch – khách sạn của Thủ đô và cả nước trong thời gian tới.
Người thực hiện: Trần Thị Lan – Trung tâm LKĐT&XTVL
Nguồn tin: hcct.edu.vn