Ý nghĩa của Tết Nguyên Đán của người Việt

Tết Nguyên đán là là dịp lễ truyền thống quan trọng và ý nghĩa nhất trong năm đối với mỗi người Việt. Đây là điểm giao giữa năm cũ và năm mới, giữa một chu kỳ vận hành của đất trời, vạn vật cỏ cây, đây là khoảng thời gian được xem là vui nhất, nhộn nhịp nhất, ấm áp nhất trong năm. Ý nghĩa của Tết nguyên đán không phải người Việt nào cũng hiểu hết được nguồn gốc, ý nghĩa của ngày Tết. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu qua bài viết dưới đây! 

Tết Nguyên Đán (còn gọi là Tết Cả, Tết ta, Tết Âm lịch, Tết Cổ truyền hay đơn giản là Tết) là dịp lễ đầu năm Âm lịch rất quan trọng và có ý nghĩa về phong tục cổ truyền lớn nhất ở Việt Nam.

“Tết” là cách đọc âm Hán – Việt của chữ “Tiết”, “nguyên” theo chữ Hán có nghĩa là sự khởi đầu hay sơ khai và “Đán” là buổi sáng sớm, cho nên đọc đúng phiên âm phải là “Tiết Nguyên Đán”. (Tết Nguyên Đán được người Trung Quốc ngày nay gọi là Xuân tiết, Tân niên hoặc Nông lịch Tân niên).

Do cách tính âm lịch của Việt Nam có khác với Trung Quốc cho nên Tết Nguyên Đán của người Việt Nam không hoàn toàn trùng với Tết của người Trung Quốc và các nước chịu ảnh hưởng bởi văn hóa Trung Quốc khác.

Vì Âm lịch là lịch theo chu kỳ vận hành của mặt trăng nên Tết Nguyên Đán muộn hơn Tết Dương lịch. Do quy luật 3 năm nhuận một tháng của âm lịch nên ngày đầu năm của dịp Tết Nguyên Đán không bao giờ trước ngày 21 tháng 1 Dương lịch và sau ngày 19 tháng 2 Dương lịch mà thường rơi vào khoảng cuối tháng 1 đến giữa tháng 2 Dương lịch. Toàn bộ dịp Tết Nguyên Đán hàng năm thường kéo dài trong khoảng 7 đến 8 ngày cuối năm cũ và 7 ngày đầu năm mới (23 tháng Chạp đến hết ngày 7 tháng Giêng).

Tết Nguyên Đán có từ bao giờ?

Nguồn gốc của Tết vẫn còn đang được tranh cãi đó, nhưng hầu hết thông tin đều cho rằng ngày Tết Nguyên Đán có nguồn gốc từ Trung Quốc và được du nhập về Việt Nam trong 1000 năm Bắc thuộc. Nhưng theo sự tích “Bánh chưng bánh dày” thì người Việt đã ăn tết từ trước thời vua Hùng, nghĩa là trước 1000 năm Bắc thuộc.

(Ảnh Internet)
(Ảnh Internet)

Tết Nguyên đán có ý nghĩa như thế nào?

Tết Nguyên Đán –  là thời điểm giao hòa giữa con người – đất trời và thần linh, thể hiện sự trường tồn của cuộc sống, khao khát về sự hài hòa Thiên – Địa – Nhân. Tết Nguyên Đán của con người, là sự biểu hiện của mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên trong tinh thần văn hóa nông nghiệp. Theo tín ngưỡng dân gian bắt nguồn từ quan niệm “Ơn trời mưa nắng phải thì”, người nông dân còn cho đây là dịp để tưởng nhớ đến các vị thần linh có liên quan đến sự được, mất của mùa màng như thần Đất, thần Mưa, thần Sấm, thần Nước, thần Mặt trời…

Tết Nguyên Đán – là ngày sum họp, đoàn viên,

vì đây là dịp nghỉ lễ dài nhất trong năm. Mọi người tạm gác công việc chính để dành thời gian về quê thăm gia đình, cùng sum họp, đoàn viên bên nhau sau một năm dài xa cách. Về quê để được khấn vái trước bàn thờ tổ tiên, thăm lại nhà, ngôi mộ, giếng nước, sân nhà,… được sống lại với những kỷ niệm đầy ắp yêu thương bên gia đình và người thân. Về quê để được cùng quây quần bên nồi bánh chưng đêm 30 Tết, cùng nhau ngồi bên mâm cơm ngày Tết ấm cúng bên gia đình.

(Ảnh Internet)
(Ảnh Internet)

Tết Nguyên Đán – là ngày hướng về cội nguồn

Trước khi Tết đến, vào những ngày cuối năm, mọi nhà có tập tục tảo mộ là để tưởng nhớ đến những người đã mất tạo nên một ý nghĩa nhân văn của ngày Tết Nguyên Đán là ngày hướng về cội nguồn ông bà, tổ tiên ta. Tết cũng là ngày đoàn tụ giữa những người còn sống với cả những người đã mất. Từ bữa cơm tối đêm 30, trước giao thừa, các gia đình đã thắp hương thỉnh mời hương linh ông bà và tổ tiên và những người thân đã qua đời về hưởng cơm, canh, hoa quả và vui Tết với con cháu (cúng gia tiên). Trong mỗi gia đình Việt Nam, bàn thờ gia tiên có một vị trí rất quan trọng. Bàn thờ gia tiên ngày Tết là sự thể hiện lòng tưởng nhớ, kính trọng của người Việt đối với tổ tiên, người thân đã khuất với những mâm ngũ quả được lựa chọn kỹ lưỡng; mâm cỗ với nhiều món ngon hay những món ăn quen thuộc của người đã mất đó là hiếu đạo vốn có của người Việt ta.

(Ảnh Internet)
(Ảnh Internet)

Tết Nguyên Đán – là ngày rước tài lộc về nhà

Ngày Tết Nguyên Đán được nhiều người quan niệm là ngày ông Thần Tài gõ cửa từng nhà để ban tiền tài, sự thịnh vượng, sung túc. Đây là dịp để mọi người tranh thủ mở rộng cửa rước tài lộc vào nhà, rước những điều may mắn, tốt đẹp, giàu có nhất từ ông Thần Tài. Nhiều gia đình thường mở cửa suốt ngày để chào đón niềm vui, sự phấn khởi cùng những hy vọng về tiền tài của cải đầy ắp và dần tạo nên một ý nghĩa của ngày Tết Nguyên Đán nữa trong văn hóa của người Việt.

(Ảnh Internet)
(Ảnh Internet)

Ngày Tết đánh dấu sự khởi đầu cho cả một năm dài với những cơ hội, thử thách và sự vận hành mới. Nhiều người thường xem giờ tốt, ngày lành, tháng tốt để khởi nghiệp, khai trương cho công việc trong năm mới với hy vọng gặp nhiều may mắn, thuận lợi, thành công hơn năm cũ. Vì vậy, ý nghĩa của ngày Tết Nguyên Đán không kém phần quan trọng đó là sự khởi đầu của công việc trong năm mới.

Tết là sinh nhật của tất cả mọi người, ai cũng thêm một tuổi vì thế câu nói mở miệng khi gặp nhau là mừng nhau thêm một tuổi. Người lớn có tục mừng tuổi cho trẻ nhỏ và các cụ già để chúc các cháu hay ăn chóng lớn và ngoan ngoãn, học giỏi; còn các cụ thì sống lâu và mạnh khoẻ để con cháu được báo hiếu và hưởng ân phúc.

Người Việt chọn ngày Tết làm cơ hội để tạ ơn. Con cái tạ ơn cha mẹ, cha mẹ tạ ơn ông bà, tổ tiên, nhân viên tạ ơn cấp chỉ huy. Ngược lại, lãnh đạo cũng cảm ơn nhân viên qua những buổi tiệc chiêu đãi hoặc quà thưởng để ăn.

“Tết” là thời điểm mà mỗi khi ta nhắc đến dù ở mọi miền tổ quốc hay nơi xa xứ ai ai cung luôn hướng về cội nguồn, quê hương, gia đình, hương về những điều tốt đẹp nhất trong phút giao thời. Tết chính là thời khắc đánh dấu một năm cũ qua đi năm mới lại bắt đầu với những hy vọng mới cho cuộc sống thêm thành công và hạnh phúc của mỗi người.

Thực hiện: BBT Website

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

TIN MỚI CẬP NHẬT

TIN TUYỂN SINH