Sách báo, tài liệu (gọi chung là sách) là kho tàng tri thức nhân loại được tạo ra bởi tri thức của con người và lưu lại cho các thế hệ sau. Đây là nguồn tri thức rất quan trọng và vô tận đối với mọi người, đặc biệt trong thế kỷ 21 cho dù ở thế hệ công nghệ gì đi chăng nữa nếu là người trí thức – trong đó có các bạn thì việc kế thừa và phát huy các giá trị nhân loại là điều rất cần thiết. Mọi thành công của con người đều là sự kết hợp của nỗ lực của sức lực với tri thức lĩnh hội được từ thầy, từ cuộc sống, từ sách vở – tri thức nhân loại.
Là học sinh sinh viên, việc chủ động học tập là vô cùng cần thiết, nhưng học như thế nào thì có nhiều cách khác nhau, học từ thầy cô, sách vở, bạn bè, xã hội nhưng để kết quả học tập tốt thì việc đọc giáo trình tài liệu lại là một trong những yếu tố quyết định việc học tập thành công của sẽ được gặt hái bạn bắt đầu từ giảng đường.
Để tiếp cận được với kiến thức môn học trong giáo trình tài liệu thì bạn cần có kỹ năng đọc giáo trình, tài liệu. Đây là kỹ năng cần phải thực hiện cả trước và sau khi lên lớp của sinh viên trong tất cả các môn học. Để việc đọc giáo trình và tài liệu tham khảo có chất lượng và hiệu quả, cần đọc theo một quy trình nhất định, nếu không người đọc sẽ mất thời gian mà không thu được nhiều kết quả, không lưu giữ được những thông tin cần thiết. Vì vậy, việc đọc sách cần được thực hiện nghiêm túc và tuân theo một số yêu cầu sau.
Một là: Đọc có suy nghĩ
Muốn hiểu những điều sách viết, người đọc phải hết sức tập trung tư tưởng khi đọc, nhiều khi còn phải ngưng lại để ôn những nội dung kiến thức đang cần nghiên cứu, chưa nắm vững, đến khi thông suốt rồi mới đọc tiếp. Trong đọc sách, người đọc phải biết liên kết các kiến thức trước và sau trong sách theo một trật tự logic, có như vậy mới phát hiện được vấn đề mấu chốt và đưa ra được cách giải quyết vấn đề. Khi đọc giáo trình và tài liệu tham khảo sinh viên phân tích được các ý trên thì hiệu quả của việc đọc giáo trình có giá trị cả về mặt lý luận và thực tiễn.
Hai là: Đọc có hệ thống
Khi đọc bất kỳ cuốn sách nào để có hiệu quả thì việc đọc sách thường được thực hiện theo các bước sau:
– Đọc lướt nhanh toàn bộ phần tổng quát của sách hoặc nội dung cần nghiên cứu để nắm sơ bộ nội dung cuốn sách nghiên cúu.
– Đọc kỹ, tùy theo mục đích đọc mà có thể đọc kỹ một lần hoặc nhiều lần. Khi đọc kỹ cần gạch chân hay đánh dấu vào những nội dung quan trọng, để các lần đọc sau chỉ cần đọc lại những điều cơ bản hoặc các nội dung mà lần đầu đọc chưa hiểu, chưa nắm vững. Những lần đọc sau sẽ làm người đọc nắm sâu hơn, hiểu kỹ hơn vấn đề mình đang nghiên cứu, quan tâm.
– Đọc nhanh, cần tự rèn luyện cách đọc nhanh để tập trung được sự chú ý, sự suy nghĩ diễn ra liên tục và dễ dàng xác lập được mối quan hệ giữa các đoạn với nhau khiến ta dễ dàng nắm được nội dung tài liệu.
Như vậy việc đọc sách có hệ thống đã tạo ra được cách nhìn tổng quát, bao trùm nội dung cần đọc, đảm bảo được tính logic của kiến thức cần nắm được, từ đó rút ra được những nội dung cốt lõi của vấn đề trên cơ sở đó có thể so sánh với các tài liệu khác có cùng nội dung để làm sáng tỏ hơn nội dung mình đang cần nghiên cứu. Làm như vậy khối lượng kiến thức vừa được hệ thống hóa, vừa không bị bỏ sót trong quá trình đọc tài liệu. Tùy thuộc vào nội dung từng phần của môn học mà sinh viên lựa chọn cách thức khai thác tài liệu trong quá trình đọc cho phù hợp, từ đó sinh viên có hứng thú để khai thác tối đa giá trị của tài liệu và đạt được hiệu quả cao trong quá trình tự học.
Ba là: Đọc có chọn lọc
Đọc có chọn lọc là đọc để tìm những điểm cốt lõi, chọn ý tưởng hay nhất, đúng nhất và có ích cho việc đọc có chọn lọc và có khả năng rèn được tư duy phê phán, làm tiền đề cho năng lực giải quyết những vấn đề phát sinh sau này trong học tập cũng như trong cuộc sống.
Để rèn luyện kỹ năng đọc có chọn lọc, sinh viên phải tự nêu ra được yêu cầu, sinh viên tự đặt câu hỏi cho những nội dung cơ bản của những tài liệu đã đọc; cố gắng so sánh, tổng hợp và giải thích những gì sinh viên đã đọc để tìm những kiến thức mình đang cần.
Bốn là: Đọc có ghi nhớ
Bài học nào cũng có những nội dung chính cần được tìm hiểu kỹ, do đó việc bạn đọc giáo trình tài liệu cần phải được ghi nhớ lâu mới đem lại hiệu quả cho các buổi học sau:
– Đọc sách là học tập tích cực nên cần kèm theo việc ghi chép để nhớ lâu.
– Đọc để tìm tài liệu bổ sung, cần ghi chép phần bổ sung đó ra, đồng thời đánh dấu để tra cứu khi cần thiết.
– Đọc sách hoặc tài liệu giáo khoa cần ghi các dàn ý và diễn biến nội dung.
Các ý chính cần ghi chép cẩn thận, gạch chân hoặc tô màu vì đó là ý cơ bản mà từ đó có thể suy luận ra các ý khác liên quan. Những phần chưa hiểu hoặc chưa nắm vững người đọc cũng cần đánh dấu để tiếp tục suy nghĩ, tự tìm lời giải đáp hoặc tìm lời giải đáp từ người khác.
Một biện pháp đọc để nhớ lâu là mô hình hóa các nội dung đã đọc bằng cách sắp xếp chúng theo bản đồ trí tuệ (mind map). Khi xây dựng được bản đồ trí tuệ có nghĩa là chúng ta đã hệ thống hóa toàn bộ nội dung đã đọc và giải thích được mối liên hệ giữa chúng với nhau.
- Viết trong khi đọc
Hãy tập thói quen nhớ lại nội dung bạn vừa đọc. Bởi vì khi đọc bạn có thể hiểu ngay nội dung mình cần tìm hiểu trong giáo trình, tài liệu nhưng không thể nhớ lâu trong khi một khoảng thời gian ngắn mà thu nạp nhiều thông tin khác nhau. Trong khi đọc, bạn hiểu rõ một điểm nào đó thì điểm tiếp theo sẽ rõ ràng hơn nhiều. Ghi chép lại chính là việc hồi tưởng một cách chi tiết về kiến thức. Bạn càng hiểu và hồi tưởng lại chúng tốt bao nhiêu thì bạn lại càng dễ hiểu những gì tiếp theo đó
Như vậy, sự chia sẻ về kỹ năng đọc giáo trình, tài liệu tham khảo trên đây là điều quan trọng mà mỗi sinh viên cần phải tiếp cận để lên kế hoạch chủ động học tập cho mình. Hãy biến kỹ năng đọc giáo trình, tài liệu của bạn thành thói quen, thành niềm vui, thành sự say mê. Tại sao ta phải tập thói quen đọc sách? Bởi vì việc đọc kích thích sự hoạt động của não, giúp bạn học được nhiều hơn bất cứ thứ gì bạn nghe được hay tự thân mình trải qua. Việc đọc còn làm cho óc tưởng tưởng của bạn phát triển hơn, mô hình hóa kiến thúc tốt hơn qua đó bạn sẽ có các tiết học trên lớp sẽ thực sự hiệu quả từ việc đọc giáo trình, tài liệu trước và sau khi đến lớp.
Người thực hiện: Ban biên tập Website