Làm thế nào để trở thành Supervisor trong các Nhà hàng – Khách sạn

    Được ví như cánh tay phải của các nhà quản lý, Supervisor sát luôn có vai trò vô cùng quan trọng trong việc điều phối hoạt động kinh doanh của các bộ phận trong Khách sạn – Nhà hàng, có thể nói vị trí giám sát là vị trí không thể thiếu được trong các Nhà hàng –  Khách sạn.

   Trở thành Supervisor là mục tiêu ngắn hạn mà mọi nhân viên Khách sạn – Nhà hàng đều hướng đến trên con đường phát triển bản thân. Khi đã là một nhân viên trong nghề, đến thời điểm nào đó, bạn sẽ mong muốn trở nâng tầm của mình ở vị trí cao hơn – như một bước thăng tiến trong nghề nghiệp’

    Supervisor được hiểu là Người Giám sát Khách sạn, là một trong những trợ thủ đắc lực của các nhà quản lý. Trong các Khách sạn – Nhà hàng, các vị trí như giám sát lễ tân, giám sát buồng, giám sát nhà hàng, giám sát tiệc… có vai trò hỗ trợ các quản lý thuộc bộ phận tương ứng theo dõi, điều phối các hoạt động của bộ phận trong Khách sạn. Tùy thuộc vào quy mô, thứ hạng, cơ cấu nhân sự của từng Khách sạn – Nhà hàng sẽ quy định số lượng supervisor tương ứng. Những Khách sạn – Nhà hàng có hình thức phục vụ chuyên nghiệp đều có vị trí giám sát từng bộ phận. Từ đó quy trình vận hành sẽ hiệu quả hơn.

Khách sạn - Du lịch HCCT
Giám sát bộ phận tiệc trong Khách sạn

   Supervisor có vai trò hỗ trợ các quản lý thuộc bộ phận tương ứng theo dõi, điều phối các hoạt động của bộ phận như chia ca, phân công công việc cho nhân viên; điều phối, hỗ trợ phục vụ khách hàng; giám sát thực hiện công việc của nhân viên, phối hợp giải quyết các phát sinh trong quá trình phục vụ và một số công việc khác.

Mức lương của Supervisor như thế nào

    Tùy thuộc vào vị trí giám sát ở mỗi bộ phận khác nhau sẽ hiển thị mức lương tương ứng khác nhau. Ngoài ra, tỉnh thành làm việc, quy mô khách sạn, khối lượng và hiệu suất công việc, kinh nghiệm cùng khả năng thực sự của cá nhân lương cũng như tình hình kinh doanh thực tế của doanh nghiệp sẽ quyết định thu nhập của Supervisor. Về cơ bản vị trí giám sát trong các Khách sạn – Nhà hàng hiện nay dao động trong khoảng từ 8-15 triệu đồng/ tháng. Đây là lương cơ bản, chưa bao gồm các khoản tiền thưởng, tip, service charge, thưởng lễ tết, thâm niên, trợ cấp và nhiều chế độ đãi ngộ khác.

Công việc chính của Supervisor

   – Là người đại diện cho người quản lý nếu người quản lý vắng mặt. Supervisor điều hành các cuộc họp bàn giao ca làm, sắp xếp điều chỉnh nhân sự trong ca làm đảm bảo luôn có đầy đủ nhân sự để các hoạt động của khách sạn cũng như nhà hàng diễn ra đúng quy trình, hiệu quả.

    – Giải quyết các vấn đề phát sinh, các thắc mắc phàn nàn cũng như các yêu cầu của khách hàng. Giải quyết các sai phạm , các vấn đề sai sót trong phạm vi quản lý của mình.

    – Biết lập thống kê về các thông tin trong ca làm việc này để bàn giao cho ca làm việc tiếp theo.

    – Kiểm tra, đảm bảo việc bảo trì các trang thiết bị , các dịch vụ.

    – Hướng dẫn, làm mẫu, điều phối các nhân viên phục vụ theo quy chuẩn, chất lượng dịch vụ và khu vực công việc mà mình được phân công quản lý.

    – Biết phối hợp linh hoạt với các gíám sát ở bộ phận khác để lên kế hoạch hoạt động tổng hợp cũng như chiến lược kinh doanh của nhà hàng, khách sạn để trình lên ban quản lý. Tham gia vào các kế hoạch, các khóa đào tạo nhân viên.

Những kiến thức và kỹ năng của một Supervisor cần có

   Kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm nghề nghiệp chính là những điều kiện cần thiết để bạn có thể trở thành một Supervisor. Các nhiệm vụ công việc của một giám sát trong bất kỳ bộ phận nào cũng yêu cầu người đảm nhận cần phải hội tụ đầy đủ những kiến thức và kĩ năng dưới đây:

– Kiến thức chuyên môn vững vàng

– Có năng lực và tố chất quản lý

– Kỹ năng giao tiếp tốt

– Giao tiếp ngoại ngữ thành thạo

– Đạo đức nghề nghiệp tốt

– Có trách nhiệm với công việc và chịu được áp lực cao

– Biết sắp xếp và điều phối công việc

– Nắm vững các quy định, tiêu chuẩn, quy trình quy phạm kỹ thuật trong công tác giám sát

– Đã có kinh nghiệm nghề nghiệp ở vị trí tương đương…

Cơ hội để từ một nhân viên trở thành Supervisor

   Có thể nói kỹ năng, kiến thức và kinh nghiệm chính là điều kiện cần, thì cơ hội, thời điểm chính là điều kiện đủ để một người nhân viên hội tụ đủ mọi yếu tố để  chính thức trở thành một Supervisor. Muốn thăng tiến, bạn cần tận dụng quãng thời gian làm nhân viên để tích cực học hỏi, chú ý quan sát cách giám sát quản lý mình làm việc như thế nào, xử lý các vấn đề, tình huống phát sinh trong thực tế ra sao… Từ đó tích lũy kinh nghiệm cho bản thân. Như vậy, nghề sẽ trang bị cho bạn “vốn lận lưng” cần thiết để có thể đảm đương vai trò của một giám sát viên sau 1 khoảng thời gian nhất định thường là trên dưới 2 năm làm việc ở vị trí nhân viên. Tất nhiên cũng sẽ có những bạn thăng tiến sớm hơn hay lâu hơn – điều này hoàn toàn phụ thuộc vào sự nỗ lực của mỗi cá nhân.

   Khi bản thân đã hội đủ điều kiện cần và cơ hội đã tới nếu khách sạn, nhà hàng bạn đang làm việc cần vị trí Giám sát – bạn sẽ được xem xét thăng tiến trở thành Sup. Hoặc nếu nhận thấy không có cơ hội ở đó, bạn hoàn toàn có thể “nhảy việc”, “ngó nghiêng” các Nhà hàng, Khách sạn đối thủ cạnh tranh – tìm một môi trường mới với cơ hội trở thành Supervisor. Bên cạnh một số đơn vị tuyển dụng giám sát yêu cầu ứng viên phải có kinh nghiệm ở vị trí tương đương vẫn có rất nhiều khách sạn – nhà hàng tạo điều kiện cho những bạn đã có nhiều kinh nghiệm làm nhân viên, thử thách mình ở một vai trò mới. Thế nên, cơ hội cho bạn là rất nhiều.

Khách sạn - Du lịch HCCT
Giám sát nhà hàng tại Khách sạn The Five Hà Nội hướng dẫn sinh viên ngành Quản trị Khách sạn – Trường Cao đẳng Thương mại và Du lịch Hà Nội

   Là một trong những mắt xích quan trọng đem đến sự thành công cho khách sạn – nhà hàng, vai trò của các Supervisor ngày càng được đánh giá cao, hứa hẹn sẽ là mục tiêu phấn đấu hấp dẫn của nhiều bạn trẻ muốn trở thành nhà quản lý trong tương lai

   Tình hình dịch bệnh Covid kéo dài hai năm qua chính là khoảng thời gian đầy thách thức cho các doanh nghiệp, không chỉ với ngành Lữ hành, Khách sạn nói riêng mà ảnh hưởng đến tất cả các ngành nghề. Tuy nhiên đến thời điểm này, thị trường đang bắt đầu dần hồi phục trở lại và ngành du lịch khách sạn đã có những tín hiệu tích cực. Ngành Du lịch đang dần phục hồi sau hai năm bị ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19. Các doanh nghiệp đã dần thích nghi với việc kinh doanh trong điều kiện ứng phó với dịch bệnh, hình thành xu hướng phục vụ mới. Nhu cầu nhân lực hiện nay tại các khách sạn, nhà hàng rất lớn, nguồn nhân lực thiếu trầm trọng, đây chính là cơ hội vàng cho các bạn trẻ theo học ngành Quản trị khách sạn và Quản trị nhà hàng.

Khách sạn - Du lịch HCCT
Sinh viên ngành Quản trị khách sạn thực hành tại Khách sạn 5 sao
Khách sạn - Du lịch HCCT
Sinh viên ngành Quản trị khách sạn thực hành tại Khách sạn 5 sao

   Sinh viên theo học ngành Quản trị Khách sạn và ngành Quản trị Nhà hàng và Dịch vụ ăn uống tại HCCT sẽ được tiếp cận với những học phần mang tính thực tiễn cao. HCCT xây dựng hệ thống phòng thực hành với đầy đủ các trang thiết bị hiện đại …bên trong khuôn viên trường nhằm tạo điều kiện cho sinh viên được thực tập nhiều hơn trong suốt quá trình học. Bên cạnh đó, Trường có mối quan hệ khăng khít với nhiều cơ quan, doanh nghiệp khách sạn, nhà hàng ( Tập đoàn Golden Gate, Tập đoàn FLC, Khách sạn Sheraton, Khách sạn Melia Hà Nội, Khách sạn Daewoo Hà Nội,…) sẽ là điều kiện tốt cho sinh viên của trường trong việc thực tập thực tế và cơ hội việc làm rộng mở. Với sự chú trọng đào tạo thực tế và kỹ năng, chương trình ngành Quản trị Khách sạn, Quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống giúp các em phát triển toàn diện bản thân và có thể thích ứng nhanh với công việc ngay sau khi tốt nghiệp. Sinh viên có cơ hội trải nghiệm các vị trí nhân viên trong các khách sạn, nhà hàng từ đó rút ngắn con đường trở thành một Supervisor trong thời gian ngắn nhất.

Người thực hiện: Nguyễn Thị Hồng Ngọc – Trưởng khoa Khách sạn du lịch

Nguồn tin: hcct.edu.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Tìm địa điểm Trường
Gọi trực tiếp
Chat Facebook
Chat Zalo